Nói không với túi nilon: Đừng bùng lên rồi...vụt tắt

Chiến dịch “Hà Nội - ngày chủ nhật không sử dụng túi nilon” được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mở rộng trong ngày 8/8 tới được kỳ vọng sẽ thay đổi nhận thức của người dân.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, để chiến dịch tạo được sự thay đổi rộng khắp trong thói quen người tiêu dùng, cần  làm quyết liệt, có hệ thống cả ở siêu thị và hệ thống chợ bán lẻ.
Chiến dịch “Hà Nội - ngày chủ nhật không sử dụng túi nilon” được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội phối hợp cùng Tổng Công ty Thương mại Hà Nội mở rộng trong ngày 8/8 tới được kỳ vọng sẽ thay đổi nhận thức của người dân.

Dù vậy, trước chiến dịch này cũng còn những quan ngại bởi nếu không có sự phối hợp và thường xuyên thì mới chỉ giải quyết phần ngọn, dễ “bùng lên rồi chợt tắt”.

Cho thì… vui vẻ nhận

Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+, các hệ thống siêu thị Hapro ở Hà Nội đã lên dây cót cho “Ngày chủ nhật không sử dụng túi nilon”. Số lượng túi tự hủy phát miễn phí cho người tiêu dùng, băng rôn cổ động đã sẵn sàng.

Trước cửa siêu thị Hapro trên đường Giảng Võ, chị Hoa ở Đê La Thành hồ hởi: “Chủ Nhật, tôi sẽ đến mua hàng, lấy túi. Biết thông tin túi nilon độc hại, tôi cũng sợ, nếu có túi thân thiện với môi trường, tiện lợi, bền mà được tặng miễn phí thì chúng tôi sẵn sàng nhận.”

Theo thống kê của Hiệp hội siêu thị Hà Nội, hàng hóa tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ là chợ, cửa hàng chiếm tới 85%. Trung bình mỗi ngày một bà nội trợ sử dụng tối thiểu 12 túi nilon. Như vậy, một số lượng túi nilon khổng lồ được thải ra từ nguồn tiêu dùng này vẫn chưa được kiểm soát.

Tại chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân, Hà Nội), chị Hương, chủ gian hàng tạp hóa nghi ngại: “Báo chí cứ nói túi nilon độc hại nhưng đã mấy chục năm nay vẫn thấy có sao đâu. Chúng tôi sẽ hưởng ứng nếu túi mới tiện dụng, giá thành rẻ như túi cũ hoặc cùng lắm là đắt hơn một chút thôi.”

Chị Thanh, chủ quán thịt lợn ở chợ Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) cũng cho biết chị không rõ túi nilon độc hại đến đâu, chỉ thấy nó rất tiện lợi và rẻ nên thường mua túi về đựng thịt cho khách.

Bản thân chị khi mua thực phẩm bao giờ cũng yêu cầu phải được gói vào túi nilon. Về nhà, lấy rau cỏ ra rồi vứt túi đi, chị chẳng bao giờ phải quan tâm xem “ông môi trường” xử lý túi như thế nào.

“Ôi dào, năm ngoái có đợt phát túi thân thiện môi trường thay túi nilon ở Giảng Võ, cô hàng xóm của tôi lên lấy về để… đựng đồ chơi chứ chả bao giờ vác đi siêu thị cả,” chị Thanh kể.

Bởi thế, với chiến dịch của Hà Nội nói không với túi nilon sắp tới, chị Thanh cho rằng cũng chỉ dừng lại ở mức “hô hào” mà thôi.

Chớ “bùng lên rồi vụt tắt”

Về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, giải quyết vấn nạn túi nilon làm ô nhiễm môi trường không nên làm hời hợt, phong trào.

“Để chiến dịch nói không với túi nilon dài hơi, tạo được sự thay đổi rộng khắp trong thói quen người tiêu dùng phải làm quyết liệt, có hệ thống cả ở siêu thị và hệ thống chợ bán lẻ,” ông Phú nói.

Ông Chu Xuân Kiên, Phó Tổng Giám đốc Hapro - đơn vị được chọn tổ chức chiến dịch cho rằng, muốn tẩy chay túi nilon phải có chế tài, làm mạnh từng điểm nhỏ đặc biệt là các tuyến phố văn minh như Hoàn Kiếm, Phố Cổ...

Theo ông Kiên, điều cần nhất chính là phải xây dựng những nhà máy sản xuất túi tự hủy để từng bước hạn chế, thay thế cơ sở làm túi nilon. “Thói quen người tiêu dùng phải được nâng lên với việc sử dụng túi tự hủy như một đồ dùng sinh hoạt, mua bằng giá trị, có tuổi thọ chứ không phải là rác,” ông Kiên nói.

Ông Kiên dẫn chứng, tại hệ thống siêu thị Hapro áp dụng linh hoạt những cách thức để chiếc túi thân thiện với môi trường cũng thân thiện với khách hàng.

Siêu thị sẽ đề ra hạn mức mua nhất định để người tiêu dùng được tặng một chiếc túi thân thiện. Khách hàng cũng sẽ thoải mái nếu phải chi một khoản tiền chỉ “nhỉnh” hơn giá túi nilon để mua chiếc túi an toàn với môi trường sống.

Bác Ngân, một người nội trợ ở phố Quan Nhân cho rằng, có nhiều cách thức để siêu thị tạo cho khách hàng nguyên tắc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Ở Metro Hà Nội, có nguyên tắc khách phải được phát túi riêng của siêu thị mua hàng, nếu quên ở nhà thì phải mua lại túi với mức giá quy định. Do vậy, túi trở thành vật bất li thân khi bác Ngân đi siêu thị này.

Theo ông Kiên, để tẩy chay dần dần túi nilon, cần nhất chế tài và phối hợp đồng bộ các sở ngành. Nhà nước nên tạo điều kiện, đầu tư vốn với lãi suất bằng không cho doanh nghiệp sản xuất thí điểm túi tự hủy với giá thành hợp lý. Cơ quan chức năng cần xử phạt hoặc đánh thuế cao những cơ sở làm túi nilon; thanh tra, dừng hoạt động đối với những đơn vị không đạt tiêu chuẩn quy định...

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cũng phải được phối hợp đồng bộ, thường xuyên để không rơi vào tình trạng bùng lên thành đợt, rồi lại “im thin thít, lặn mất tăm” một thời gian dài sau đó./.

Đặng Trung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục