Nối lại vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực

Tại phiên khai mạc vòng đàm phán ở Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa nhấn mạnh đàm phán RCEP đang ở giai đoạn cuối cùng, theo đó các bên đã đồng thuận tới 80% điều khoản.
Nối lại vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh (hàng sau, thứ tư, từ trái sang) và các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh chung. (Ảnh: Lương Tuấn/TTXVN)

Vòng đàm phán mới nhất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có sự tham gia của 16 quốc gia (gồm 10 nước thành viên ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) đã khai mạc ngày 3/8 tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), giữa lúc bất đồng gia tăng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa nhấn mạnh đàm phán RCEP đang ở giai đoạn cuối cùng, theo đó các bên đã đồng thuận tới 80% điều khoản. Tuy nhiên, ông Hồ Xuân Hoa thừa nhận vẫn tồn tại bất đồng liên quan tới việc tiếp cận thị trường và thiết lập quy tắc trong đó có giảm bớt thuế quan, đồng thời kêu gọi các bên cần linh hoạt trong các chủ đề đàm phán liên quan tới các vấn đề nhạy cảm như an ninh quốc gia.

Ông Hồ Xuân Hoa nhấn mạnh: "Chỉ từ một ý tưởng, hiện RCEP đang dần trở thành hiện thực. Tôi muốn mọi người nỗ lực với ý chí chính trị mạnh mẽ để đạt được thỏa thuận trong năm nay."

Giữa lúc căng thẳng thương mại gia tăng với Mỹ, Trung Quốc mong muốn RCEP là hiệp định dẫn dắt mục tiêu mở rộng thị trường và xây dựng quan hệ mạnh mẽ hơn với các nước thành viên ASEAN.

RCEP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và sáu quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do. Hiệp định này từng được kỳ vọng sẽ hoàn tất việc ký kết trước năm 2015, hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định Thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Đối tác Kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA).

Đến nay đàm phán đã bước sang năm thứ 6 và trải qua 25 vòng thương thảo. Tuy nhiên, các thành viên vẫn chưa thể hoàn tất về số lượng hàng hóa được xóa bỏ thuế quan. Ngoài ra, vẫn còn một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, giữa lúc Ấn Độ đang mong muốn các nước linh hoạt hơn để thúc đẩy lĩnh vực này. Nếu được ký kết, hiệp định này dự kiến sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm 30% tổng GDP toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục