“Nỗi lo đóng cửa của lọc dầu Dung Quất cơ bản đã được giải quyết”

Nỗi lo đóng cửa của Nhà máy lọc dầu Dung Quất khi thuế nhập khẩu xăng, dầu từ các nước trong khu vực ASEAN giảm theo đại diện Bộ Tài chính “cơ bản đã được giải quyết."
“Nỗi lo đóng cửa của lọc dầu Dung Quất cơ bản đã được giải quyết” ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nỗi lo đóng cửa của Nhà máy lọc dầu Dung Quất khi thuế nhập khẩu xăng, dầu từ các nước trong khu vực ASEAN giảm, theo đại diện Bộ Tài chính, “cơ bản đã được giải quyết” sau khi cơ quan chức năng chính thức áp dụng chính sách thuế nhập khẩu mới từ 14/4.

Cho biết trong buổi họp báo về thuế nhập khẩu xăng, dầu tổ chức ngày 15/4, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính nhắc lại lo lắng của Công ty trách nhiệm hữu hạn một hành viên Lọc-Hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất với lộ trình giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng nhiên liệu giữa các nước ASEAN (ATIGA).

Theo ông, mức thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt giữa các nước ASEAN là 20% từ 1/1/2015 và thấp hơn mức thuế 35% trước đó của Việt Nam. Từ đó, phía Bình Sơn đã kiến nghị cơ quan chức năng có chính sách hợp lý bởi các doanh nghiệp trong nước có thể chuyển sang dùng xăng nhập khẩu và công ty không bán được hàng.

Lo lắng này theo ông Thi đã chính thức được giải quyết với thông tư 48/2015/TT-BTC mới nhất của Bộ Tài chính cho phép giảm thuế nhập khẩu với xăng, dầu xuống 20-25%.

“Thông tư mới đã đưa thuế nhập khẩu về mức thuế ATIGA là 20% với xăng nên vấn đề lo ngại của Dung Quất về cơ bản được giải quyết,” đại diện Bộ Tài chính nói.

Tuy nhiên, thông tin thêm về vấn đề này, ông Thi đưa ra thống kê của ngành hải quan từ ngày 1/1 tới ngày 10/3 với các mặt hàng xăng, dầu nhập từ các nước ASEAN. Theo đó, các mặt hàng này đều chưa áp dụng mức thuế ưu đãi đặc biệt là 20% vì chưa có chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Điều này theo ông bắt nguồn từ việc để có chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên cần bỏ một khoản chi phí hoặc do nguồn gốc xuất xứ một số nước không đạt tiêu chuẩn như cam kết ASEAN đặt ra nên chưa được cấp phép.

Bởi vậy, mặc dù đã chính thức giảm thuế nhưng ông Thi cho rằng, nỗi lo các doanh nghiệp xăng, dầu không mua hàng của Dung Quất mà chuyển sang dùng xăng nhập khẩu thời gian qua là chưa hoàn toàn có cơ sở./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục