Nỗi lo phóng xạ ở các cửa hàng thực phẩm Nhật

Kể từ cuộc khủng hoảng Fukushima, rất nhiều người Nhật Bản đã mất lòng tin, lo sợ phóng xạ làm nhiễm độc đồ ăn thức uống của họ.
Kể từ cuộc khủng hoảng Fukushima, rất nhiều người Nhật Bản đã mất lòng tin vào những đảm bảo của chính quyền và lo sợ rằng phóng xạ đã làm nhiễm độc đồ ăn thức uống của họ.

Vụ tan chảy thanh nhiên liệu ở nhà máy hạt nhân sau thảm họa động đất sóng thần năm ngoái đã phát tán các hạt phóng xạ vào không khí và nước, ảnh hưởng đến những cánh đồng canh tác gần nhà máy và vùng biển nơi ngư dân vẫn đánh bắt thủy sản.

Nhiều sản phẩm của vùng Fukushima đã bị loại khỏi thực đơn chính thức khi chính quyền ban hành các lệnh cấm đối với thịt bò, sữa, nấm và một số loại rau xanh. Nhưng người tiêu dùng Nhật Bản có vẻ chưa thể tin tưởng các biện pháp này và đã tránh xa mọi sản phẩm ở bất cứ nơi nào gần vùng thảm họa, làm ảnh hưởng đến đời sống của nông dân và ngư dân ở đây.

Miwa Yokono nói cô muốn mua cá ở cửa hàng địa phương cho cậu con trai một tuổi, nhưng lại không chắc nó có an toàn hay không. “Tôi muốn cho bé ăn nhiều cá vì đó là thứ nó thích nhất, nhưng tôi nghĩ phóng xạ sẽ tập trung cao ở những sinh vật ở đỉnh của chuỗi thức ăn,” cô nói.

Yokono, 27 tuổi, giờ chỉ mua cá nhập khẩu, nhưng nói sẽ ủng hộ hàng Nhật nếu biết chắc là nó an toàn. Vấn đề năm ở chỗ Yokono và khá nhiều người dân Nhật khác không tin tưởng ở những tiêu chuẩn an toàn của chính quyền.

Ngay sau cuộc khủng hoảng hạt nhân, Tokyo đã tuyên bố nới lỏng tiêu chuẩn nhiễm xạ đối với thực phẩm, đồng nghĩa với việc những đồ ăn trước đó đáng lẽ bị loại bỏ nay vẫn có thể sử dụng. Gạo được trông cách nhà máy không xa được xét nghiệm còn có mức nhiễm xạ cao hơn tiêu chuẩn mới.

Hiroaki Koide, trợ lý giáo sư ở Viện nghiên cứu hạt nhân thuộc Đại học Kyoto, nói tuyên bố của các quan chức nâng mức tiêu chuẩn nhiễm xạ an toàn trong thực phẩm lên năm lần đã gây ra nghi ngờ về việc chính quyền hành xử vì lợi ích của những nhà sản xuất, thay vì người tiêu dùng.

“Như vậy là quá cao. Chính quyền đã nâng chuẩn an toàn chỉ vì lý do thực dụng, thay vì để bảo vệ người dân,” ông Koide nói với AFP. Đáp lại sức ép, Tokyo nói từ tháng 4 chính quyền sẽ cấm bán tất cả thực phẩm có độ nhiễm xạ lớn hơn 100 becquerel trong một kilôgam, so với mức 500 hiện giờ.

Nhưng Takashi Sato, một quan chức thuộc Liên đoàn các hợp tác xã nông nghiệp Fukushima, nói ngay cả với mức chuẩn mới, những sản phẩm của Fukushima vẫn bị nghi ngờ.

“Người dân không tin tưởng vào hệ thống đánh giá của chính quyền. Chúng tôi muốn chính quyền nỗ lực thuyết phục công luận rằng mức chuẩn mới là thực sự an toàn,” ông nói.

Kunio Shiraishi, một cựu chuyên gia ở Viện khoa học hạt nhân quốc gia, nói hệ thống kiểm tra theo mẫu hiện giờ không có được lòng tin tin của công chúng, nhưng ông cũng thừa nhận việc kiểm tra là không dễ dàng, đặc biệt với những loại thực phẩm từ đại dương.

“Điều đáng sợ nhất với người Nhật là phóng xạ trong hải sản chứ không phải trong thức ăn trên mặt đất vì chúng tôi ăn rất nhiều cá và rong biển,” ông nói. Với ngành sản xuất nông trại và ngư nghiệp hùng mạnh của Nhật Bản, lòng tin suy giảm của công chúng không chỉ là vấn đề trong nước, mà nó là ra cả nước ngoài.

Xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Nhật, một thời được ưa chuộng nhất châu Á nhờ chất lượng và độ an toàn, đã giảm 7,4% trong năm 2011 so với năm trước đó, trong đó riêng xuất khẩu thủy sản giảm 10,9%.

Tám nước, bao gồm các khách hàng lớn Trung Quốc và Nhật Bản hiện vẫn cấm nhập khẩu một số sản phẩm rau quả sản xuất ở các vùng bắc và đông Nhật Bản. Trong một nỗ lực lấy lại niềm tin nơi khách hàng, chuỗi siêu thị lớn nhất Nhật Bản, Aeon, đã quyết định bỏ qua các hướng dẫn của chính quyền và tự mình tiến hành kiểm tra các sản phẩm bán ra.

Phó chủ tịch Aeon, Yasuhide Chikazawa, nói thiết lập “mức an toàn tối thiểu” cho phóng xạ là vô nghĩa vì khách hàng không muốn chấp nhận. “Chỉ khi nào bạn có được những kết quả là “không hề nhiễm phóng xạ” thì bạn mới cạnh tranh được các nhà sản xuất trên toàn cầu,” ông nói. Chikazawa cho biết ban đầu, cách làm của siêu thị đã gặp phải sự phản đối từ các nhà sản xuất ở những vùng bị nhiễm xạ, “nhưng sau đó họ đã nhận ra rằng đây là cách cuối cùng để bảo vệ chính họ”./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục