Nỗi lòng của sinh viên nghèo làm thêm dịp Tết

Được nghỉ Tết dài, nhiều sinh viên cố gắng ở lại làm thêm, thậm chí còn có bạn ở lại làm thêm trong những ngày Tết, đón Tết xa quê.
Được nghỉ Tết Nguyên đán ba tuần, về nhà sớm cũng không giúp được gì cho gia đình nên nhiều sinh viên cố gắng ở lại làm thêm để kiếm thêm tiền ăn Tết, thậm chí có những bạn sinh viên lại lựa chọn ở lại làm thêm trong những ngày Tết và đón Tết xa quê.

Giỏi xoay sở việc làm thêm dịp Tết

Những công việc làm thêm Tết quen thuộc đối với sinh viên là những công việc thời vụ như bán bánh kẹo Tết, bán quất, bán hàng hội chợ Tết, lau dọn nhà cửa...

Bạn Nguyễn Xuân Trường, sinh viên trường Đại học Điện lực lần đầu làm thêm dịp Tết kể: “Mình xin được việc bán quất và bán cây cảnh trên đường Bưởi với mức lương 150.000 đồng/ngày và nuôi ăn trưa. Lúc đầu mình cũng hơi lo lắng nhưng mình khá có duyên bán hàng nên bây giờ mình thấy công việc cũng không khó khăn cho lắm.”

Nhóm sinh viên của bạn Hương Đại học Sư phạm I Hà Nội gồm 5 bạn, các bạn cùng nhau tạo thành một nhóm chuyên đi dọn dẹp nhà thuê. Hương và các bạn dự định những ngày sát Tết sẽ đến từng nhà quanh trường giới thiệu dịch vụ xem có ai có nhu cầu sẽ tiến hành làm việc luôn.

Hương chia sẻ: “Ý tưởng thành lập nhóm này là do Tết năm ngoái bà chủ nhà đề nghị Hương và ba bạn khác trong xóm trọ đến lau dọn nhà cửa trong một ngày và trả cho cả nhóm 500.000 đồng.”

Bạn Thu Thảo, sinh viên Đại học Ngoại ngữ Quốc gia đang đắn đo không biết có nên ở lại để giúp gia đình chị Thu (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Gia đình chị Thu có hai con nhỏ nên cần người hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán. Mỗi ngày chị Thu sẽ trả cho Thảo 200.000 đồng/ngày và nuôi ăn ở, trong năm ngày từ 29 Tết đến mùng 3 Tết, Thảo sẽ có được một triệu đồng. Số tiền đó đủ cho  Thảo sinh hoạt trong một tháng, đỡ được cho bố mẹ một khoản, nhất là khi bố mẹ vừa phải vất vả lo cho Tết.

Thảo tâm sự: “Mình đã quyết sẽ ở lại nhưng gọi về xin phép bố mẹ thì bố mẹ không đồng ý, bố mẹ bảo vẫn cố gắng được, Tết nhất cả nhà phải quây quần cùng nhau nên mình đang lưỡng lự, chưa biết có nên ở lại hay không.”

Nỗi lòng sinh viên đón Tết xa quê

Không giống với Thảo còn đang đắn đó vì bố mẹ không đồng ý thì đối với bạn Thu Hà, sinh viên năm thứ 3 Đại học Công Đoàn năm nay đã là năm thứ hai Hà không về quê ăn Tết.

Hà tâm sự: "Lương giúp việc nhà ngày Tết năm nay cao hơn, em được trả tới 300.000 đồng/ngày. Quê em nghèo lắm, để lo cho em đi học gia đình đã vất vả lắm rồi nếu Tết em chịu khó đi làm thì ra sẽ có một khoản đóng học phí, trả tiền sinh hoạt, đỡ được bao nhiêu cho bố mẹ. Trước khi ở lại những ngày Tết, em cũng đã tranh thủ về quê mấy hôm rồi.”

Theo Hà thì ăn Tết ở Hà Nội cũng học được rất nhiều điều mới, biết Tết ở đây khác Tết quê như thế nào và còn lì xì rồi tặng quà. Nhưng vào những thời khắc Giao thừa, Hà vẫn không khỏi chạnh lòng vì không được ở bên gia đình, được thắp nén hương cho tổ tiên.

Nguyễn Thị Lan, sinh viên năm 3 Đại học Lao động Thương binh xã hội cho được nghỉ Tết ba tuần, từ trước khi được nghỉ Lan đã xin được việc tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh nhưng phải làm đến 30 Tết nghỉ rồi mùng 3 Tết lại đi làm.

Lan chia sẻ: "May mà quê mình ở Hưng Yên cũng không xa lắm, 30 Tết mình về rồi sáng mùng 3 Tết mình lại lên sớm. Về quê thì Tết cũng chỉ loanh quanh ở nhà, thôi thì mình ở lại kiếm tiền đỡ đần bố mẹ. Mỗi ngày người ta trả 150.000 đồng, được nuôi ăn trưa và ăn tối nữa. Vậy là sau Tết mình sẽ kiếm được khoảng hơn 2 triệu, thế là không phải xin tiền trong hai tháng.”

Vì hoàn cảnh khó khăn mà không ít sinh viên khi được nghỉ Tết không về quê ngay mà ở lại làm thêm. Có những bạn làm việc đến cận Tết thì về đón Giao thừa và năm mới bên gia đình rồi lại về Hà Nội ngay để kịp làm việc. Nhưng cũng có nhiều bạn ở lại qua Tết, đón những ngày đầu tiên của năm mới nơi xa quê. Có lẽ việc đỡ đần cho bố mẹ bớt vất vả là điều quan trọng hơn cả đối với các bạn sinh viên nghèo./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục