Nỗi trăn trở của người dân làm nồi đất làng Đầu Doi

Nghề làm nồi đất đã trở thành một nghề truyền thống của người dân ấp Đầu Doi, Kiên Giang nhưng những năm gần đây số người “mặn mà” với nghề không còn nhiều.
Nỗi trăn trở của người dân làm nồi đất làng Đầu Doi ảnh 1Sản phẩm nồi đất được bán tại chợ Hòn Đất. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Từ lâu, nghề làm nồi đất đã trở thành một nghề truyền thống và gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân ấp Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Tuy nhiên, cùng với xu hướng phát triển của xã hội, sức tiêu thụ nồi đất từ từ giảm đi, những người tâm huyết với nghề không khỏi trăn trở khi số người “mặn mà” với nghề không còn nhiều.

Nghề làm nồi đất cũng như các vật dụng khác dùng trong sinh hoạt như: cà ràng (bếp lò có ba chân), chảo, nồi, khuôn bánh khọt, chum đựng nước… tất cả đều được làm bằng đất.

Đây là công việc gắn liền với người dân ấp Đầu Doi quanh năm. Đặc biệt, khi vụ thu hoạch lúa vừa xong, người dân xứ Hòn lại bắt tay vào làm nồi đất vừa tiết kiệm thời gian, vừa kiếm thêm thu nhập.

Nguyên liệu chính là đất sét của vùng đất này. Đất sét ở Hòn Đất có độ mịn và dẻo rất cao, sản phẩm lại có độ bền nên nổi tiếng khắp vùng và được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Nghề làm nồi đất cũng lắm công phu và cần khá nhiều kinh nghiệm của đôi tay người thợ. Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ phải tiến hành khá nhiều công đoạn từ khâu chọn đất, xay đất, nhào nặn, vỗ và tạo hình sản phẩm.

Qua các công đoạn kể trên, các sản phẩm được phơi ngoài nắng cho có độ rắn, trắng đẹp. Sau một tuần đến 10 ngày, sản phẩm được đưa vào lò nung, khoảng bốn ngày cho chín đều.

Theo những người lớn tuổi trong làng, những năm 1980 có lẽ là giai đoạn ăn nên làm ra nhất của người dân làng gốm nồi đất Đầu Doi.

Các mặt hàng gia dụng làm bằng gốm ở thời điểm đó bán rất chạy nên hầu hết người dân địa phương sống nhờ vào nghề này, sản phẩm được ủ nung thường xuyên. Nhiều gia đình còn tranh thủ sản xuất mùa nắng, tích lũy để có hàng bán vào những mùa mưa.

Nhớ lại thời điểm đó, bà Vũ Thị Sởi, 73 tuổi, gắn bó với nghề đã hơn 30 năm, bồi hồi nhớ lại thời đó nhà nào cũng có hai ba lò làm nồi đất, sáng sớm mọi người hò nhau dậy đi lấy đất về làm, chẳng mấy chốc gốm làm ra phơi kín cả con đường làng.

Sản phẩm làm ra không kịp bán, ghe xuồng đậu tấp nập dưới sông chờ lấy hàng đi bán khắp vùng; các xuồng đi câu, giăng lưới cũng ghé lại mua hàng.

Gần 100 năm qua, nghề làm nồi đất đã phát triển thành nghề truyền thống của cư dân ấp Đầu Doi, góp phần ổn định cuộc sống của nhiều gia đình nơi đây, nhiều hộ gia đình cũng nhờ đó vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, đó chỉ là sự trù phú của mấy chục năm về trước.

Những năm gần đây, đời sống của người dân được nâng lên cùng với thị trường đa dạng hóa các mặt hàng gia dụng như bếp gas, đồ điện, các mặt hàng được sản xuất từ nhôm, sành, sứ cao cấp, việc sử dụng nồi và lò đất giảm đã làm ảnh hưởng đến giá thành và đầu ra của sản phẩm gốm Đầu Doi, khiến nhiều người dần dần không còn “mặn mà” với nghề.

Ông Ngô Trường Sinh, trưởng ấp Đầu Voi, thị trấn Hòn Đất, cho biết nghề làm nồi đất là nghề truyền thống đã có khoảng gần 100 năm nay tại địa phương. Nhưng hiện nay không chỉ thị trường tiêu dùng bị ảnh hưởng mà nguồn đất sét nguyên liệu để làm gốm cũng không đủ để cung cấp cho người dân để sản xuất.

Trước kia trong ấp có trên 200 hộ theo nghề, hiện nay chỉ còn chưa đầy 50% trong số đó còn gắn bó với nghề.

Như vậy, cùng với sự thu nhỏ về làng nghề, nồi đất Đầu Doi cũng đối mặt với thực trạng mất chỗ đứng trên thị trường tiêu dùng… Nhiều người tâm huyết với nghề không khỏi trăn trở, lo lắng không giữ được nghề truyền thống.

Bà Trần Thị Chín, ấp Đầu Voi, thị trấn Hòn Đất, cho biết: “Trước kia cả gia đình tôi đều sống bằng nghề này và coi như nghề truyền thống của gia đình nhưng giờ nhà nhà dùng bếp gas, nồi điện, thị trường tiêu thụ ít, sản phẩm bán rất chậm, giá thành sản phẩm lại rẻ nên mấy người con của tôi đã chuyển đi làm ăn xa hết.”

Anh Đàm Văn Tứ, tổ 3, ấp Đầu Voi là đời thứ ba trong gia đình có truyền thống làm nghề gốm ở ấp Đầu Doi cho biết, trước kia sản phẩm chính của gia đình anh là chảo khoét và ống trấu là hai vật dụng bán chạy nhất nhưng giờ ít người sử dụng nên chỉ làm khi có đơn đặt hàng.

Theo anh Tứ, làm lò ống khói là khó nhất vì phải thật khéo tay thì sản phẩm mới đẹp nhưng giá một lò cũng chỉ 7.000-8.000 đồng. Giá sản phẩm thấp, không có lợi nhuận nên công thợ cũng rẻ, một người thợ làm suốt ngày từ năm giờ sáng đến 18 giờ tối chỉ kiếm được 20.000 đồng tiền công.

Theo ông Ngô Trường Sinh, muốn giữ nghề truyền thống thì sản phẩm làm ra phải đảm bảo đầu ra và nguồn nguyên liệu lâu dài để tiếp tục sản xuất.

Hiện tại một số hộ dân đã phát triển một số nghề khác hoặc đi làm ăn xa do nguồn thu nhập từ làm nồi đất đã không còn đảm bảo được đời sống của họ. Rất cần một quỹ đất để người dân sản xuất phục vụ cho một bộ phận người có nhu cầu sử dụng và giữ được làng nghề.

Bởi, dù có nhiều sản phẩm công nghệ thay thế nhưng vẫn còn một số người ưa thích sử dụng các vật dụng bằng đất này, sản phẩm gốm Đầu Doi vẫn có thể tìm cho mình một chỗ đứng nhất định./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục