"Nóng bỏng" cạnh tranh giảm giá vé máy bay

Để hút khách trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, các hãng hàng không liên tục thực hiện khuyến mại giá vé trên các tuyến nội địa.
Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, để thu hút khách đi lại bằng đường hàng không, các hãng hàng không trên các tuyến nội địa liên tục thực hiện nhiều chương trình khuyến mại với giá vé rẻ. Những chuyến đi xa, giá vé rẻ có thể tiết kiệm tới nửa chi phí việc đi lại nhưng tìm kiếm không phải lúc nào cũng dễ.

Săn lùng giá vé rẻ

Chị Kiều Phương, phụ trách một doanh nghiệp lữ hành Oriental Bridge trong khu phố cổ Hà Nội cho biết do thường tổ chức tour cho khách cũng như lấy vé cho bạn bè tự tổ chức tour nên chị hay vào mạng đặt vé máy bay giá rẻ.

Theo kinh nghiệm đặt vé, vé máy bay giá rẻ bán phổ biến hiện nay thường là của hãng hàng không Jestar Pacific (JP) nhưng phải đặt mua trước khoảng thời gian khá dài trước thời điểm bay. Còn lại phải lấy “ké” vé từ các hãng du lịch lớn làm đại lý vé cho các hãng hàng không bởi họ thường được giảm giá tới 15-30%.

Dù các hãng hàng không liên tiếp tung ra giá khuyến mại nhưng theo nhận định của chị Kiều Phương, ít người tiếp cận được các giá vé này mà không mất thêm chi phí do việc tra cứu thông tin trên mạng, các điều kiện đi kèm với mức giá khuyến mại vẫn còn phức tạp với đa số hành khách. Nhiều khách hàng phải nhờ tới tư vấn của đại lý và chịu chi phí dịch vụ từ 50.000 tới 200.000 đồng/vé.

Ngoài ra, trước khi quyết định mua vé máy bay giá rẻ, khách hàng phải xác định sẵn tư tưởng “không đi là mất” hoặc phải chịu chi phí phát sinh từ 150.000 đến 500.000 đồng khi đổi vé.

Anh Nguyễn Thắng, nhân viên đại lý bán vé máy bay trên phố Yết Kiêu cho biết để có thể sử dụng được vé giá rẻ khách hàng cần phải hội đủ những điều kiện như sử dụng thành thạo internet; có hoặc mượn được thẻ thanh toán trực tiếp qua mạng như Visa Card, Master Card; chủ động về mặt thời gian (mua giá rẻ ngày nào bay ngày đó) và lưu ý khách hàng khi mua vé cần so sánh các mức giá cũng như đọc kỹ các điều kiện hạn chế của từng hãng.

Hiện nay, riêng Indochina Airlines, báo giá vé đã bao gồm phí và thuế, khách chỉ mất tiền dịch vụ thanh toán và lệ phí sân bay. Còn vé của Vietnam Airlines và JP hiển thị trên bảng báo giá vé, lịch bay chưa bao gồm các chi phí này.

Thị trường vận tải hàng không nội địa sẽ cạnh tranh quyết liệt

Theo ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không thuộc Bộ Giao thông vận tải, thị trường vận tải hàng không nội địa sẽ cạnh tranh quyết liệt trong thời gian tới.

Hiện Việt Nam có 4 hãng hàng không đang hoạt động là Vietnam Airlines, Jestar Pacific (JP), Công ty bay dịch vụ hàng không Việt Nam (VASCO); Indochina Airlines và sắp có 2 hãng đã được cấp giấy phép là Vietjet Air và Mekong Aviation.

Theo dự báo thị trường vận tải hàng không đến năm 2015 sẽ đạt 35 triệu hành khách, trong đó có 19,5 triệu khách quốc tế và 15,5 triệu khách nội địa.

Còn ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc JP cho biết hãng xác định khách hàng đi máy bay JP là những người tự bỏ tiền túi nên sẽ tung ra nhiều chương khuyến mại với giá vé rẻ để mọi người có thể đi lại bằng phương tiện này. Chính vì vậy, dù đang là thời kỳ khủng khoảng kinh tế nhưng JP vẫn duy trì được đà tăng trưởng sản lượng khách khá cao (khoảng 28%), tuy nhiên mức này thấp hơn nhiều so với mức tăng 54,6% trong năm 2008.

Hiện nay, Việt Nam với 86 triệu dân chỉ có khoảng 6 triệu lượt hành khách máy bay nội địa và khoảng 1 triệu người Việt Nam đã được đi máy bay (trong khi Australia chỉ có 20 triệu dân nhưng có tới 50 triệu lượt hành khách máy bay nội địa).

Do đó, để nhiều người được đi máy bay bằng tiền túi của mình, hãng sẽ tung ra nhiều giá vé rẻ. Để tăng tính tiện lợi cho khách hàng, từ ngày 5/7/2009, JP cho phép thanh toán qua mạng sử dụng thẻ ATM Connect 24 do Vietcombank phát hành. JP đang làm việc với các ngân hàng khác để có thể ứng dụng thêm nhiều loại thẻ ATM.

Trong khi đó, Vietnam Airlines đang phối hợp với Tổng cục Du lịch thực hiện chương trình kích cầu du lịch từ đầu tháng 3 đến ngày 30/9 và dự kiến kéo dài đến hết năm nay. Nhiều đường bay nội địa đã được Vietnam Airlines áp dụng giá vé khuyến mãi cho khách mua tour nội địa trọn gói của 36 công ty du lịch tham gia chương trình với giá vé rẻ tới 60% và đã thu hút hàng nghìn khách du lịch tham gia tour nội địa.

Trên thực tế, cuộc cạnh tranh giữa 3 hãng hàng không nội địa đã đẩy giá vé xuống mức thấp có lợi cho hành khách. Sau khi hãng Indochina Airlines tung ra gói giá khứ hồi Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh thấp nhất là 1.800.000 đồng và mức giá trung bình của JP cho hành trình này cũng ở mức tương đương thì chỉ sau vài tháng, Vietnam Airlines cũng có giá khuyến mại 900.000 đồng/chặng (giá vé phổ thông trên chặng bay này của Vietnam Airlines lên tới 1,7 triệu đồng/chặng).

Đến thời điểm này, dường như lợi thế “giá thấp” không chỉ còn là của riêng JP nên hãng này đành tung ra các chiêu khuyến mại mới như chấp nhận bán vé rẻ hơn 10% so với vé cùng chặng, cùng giờ bay của hãng khác mà khách hàng tìm thấy...

Khi thị trường quốc tế suy giảm, rõ ràng, thị trường nội địa đã trở nên “nóng bỏng” để các hãng giành chiếm thị phần và hành khách có nhiều mức giá thấp để lựa chọn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục