Theo AFP, đại diện của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) tại Anh, ông Guma al-Gamaty, ngày 1/9 khẳng định các hợp đồng tương lai trong lĩnh vực dầu mỏ của nước này sẽ được trao cho người xứng đáng chứ không thiên vị chính trị. Ông Gamaty nói: "Ngành dầu mỏ sẽ được vận hành một cách minh bạch và các hợp đồng sẽ được trao xứng đáng, chứ không thiên vị chính trị." Ông này cũng liệt kê các công ty mà ông nói rằng đã có thành tích hoạt động tốt trong lĩnh vực dầu mỏ ở Libya 15 năm qua. Đó là BP của Anh, Total của Pháp, ENI của Italy, và "các công ty lớn của Mỹ." Tuyên bố trên được đưa ra sau khi báo Pháp nói NTC đã cam kết để Pháp kiểm soát 35% sản lượng dầu thô của Libya, song đại diện của NTC tại Paris đã bác bỏ thông tin này. Trước đó, nhật báo "Liberation" của Pháp dẫn một bức thư Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) của phe nổi dậy ở Libya gửi cho Quốc vương Qatar, nói rằng Pháp đã đạt được thỏa thuận với NTC về việc khai thác 1/3 trữ lượng dầu của quốc gia Bắc Phi này. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe tuyên bố ông "không biết" về một "thỏa thuận chính thức", song là "hợp lý" nếu những nước như Pháp, vốn đã giúp NTC nắm quyền lực, tham gia vào công cuộc tái thiết ở Libiya Báo trên cho biết bức thư NTC gửi đi hôm 3/4 đã thông báo với Quốc vương Qatar, vốn cũng là nước chủ chốt ủng hộ NTC, về một thỏa thuận "giao cho Pháp 35% trữ lượng dầu thô để đổi lấy sự ủng hộ toàn diện và liên tục đối với NTC". Thông tin này là bẽ mặt Pháp trong lúc nước này chuẩn bị tổ chức hội nghị các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao trên thế giới được gọi là hội nghị "Những người bạn của Libya" để công nhận NTC là chính quyền lâm thời ở Libya. Cũng trong ngày 1/9, Nga đã công nhận NTC là chính quyền hợp pháp ở Libya và theo các nhà phân tích thì động thái trên tiến tới sự gia tăng ảnh hưởng của Mátxcơva trong công cuộc tái thiết thời hậu chiến cũng như bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình ở quốc gia Bắc Phi sản xuất dầu mỏ này. Các công ty dầu mỏ lớn của Nga như Gazprom, Gazprom Neft và Tatneft đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào các hoạt động khai thác dầu ở Libya.
Ngoài ra, Bộ Đường sắt Nga cũng đã xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối từ Sirte tới Benghazi, với hợp đồng trị giá 2,2 tỷ euro ký kết với chính phủ Gaddafi./.
Ngoài ra, Bộ Đường sắt Nga cũng đã xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối từ Sirte tới Benghazi, với hợp đồng trị giá 2,2 tỷ euro ký kết với chính phủ Gaddafi./.
Biếm họa của báo Anh Guardian: Lợi ích của các nước lớn như Mỹ, Anh và Pháp ở Libya đều gắn liền với dầu mỏ.
(Vietnam+)