"Nóng" chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải

9 đại biểu đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như hoạt động tổ chức trạm thu phí giao thông; tình trạng ách tắc giao thông.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/8, 9 đại biểu đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến hoạt động tổ chức trạm thu phí giao thông; tình trạng ách tắc giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; việc chậm trễ tiến độ trong xây dựng các công trình hạ tầng giao thông…

Trả lời câu hỏi của đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) liên quan đến quá trình thực hiện đường Vành đai 3 (Hà Nội), Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết đến nay, đường Vành đai 3 đoạn từ Mỹ Đình tới bán đảo Linh Đàm cơ bản đã giải quyết, chỉ còn lại điểm nút giao thông Thanh Xuân hiện đang nghiên cứu để chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu thực tế, vì dự án ban đầu được phê duyệt cách đây nhiều năm không còn đáp ứng được thực tiễn.

Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, dự án được chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần trong quá trình thực hiện dự án để phù hợp với tình hình. Việc thay đổi này là nằm trong thẩm quyền của Bộ đã được Chính phủ cho phép. Bộ trưởng khẳng định Bộ Giao thông Vận tải có đủ thẩm quyền pháp lý và chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc triển khai, thay đổi, thực hiện dự án.

Ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) về việc đảm bảo an toàn giao thông cho người tham gia giao thông trong khi xây dựng các tuyến đường, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, trong các dự án xây dựng đường giao thông đều có điều khoản về đảm bảo hoạt động giao thông bình thường cho người dân.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn thường xảy ra việc phối hợp thiếu đồng bộ giữa các ngành điện, cấp thoát nước, viễn thông… dẫn đến chậm tiến độ, đào đường nhiều lần gây bức xúc cho người dân. Đoạn đường 32 đang xây dựng là thuộc quyền quản lý trực tiếp của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải đã và đang phối hợp với địa phương để tìm biện pháp thúc đẩy tiến độ công trình.

Về phần chất vấn của đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận, vấn đề duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình xây dựng giao thông trong Dự án giao thông nông thôn 2 đã không được quan tâm đúng mức.

Đây cũng là tình trạng chung của hệ thống giao thông trên cả nước. Một số tuyến đường giao thông sau khi đầu tư xây dựng được giao cho địa phương quản lý đã không được duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp kịp thời nên bị xuống cấp, hư hỏng. Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu giải quyết vấn đề này. Trước mắt, Bộ đề nghị chính quyền các địa phương cần dành một phần ngân sách phù hợp để duy tu, bảo dưỡng đường giao thông trên địa bàn.

Các đại biểu Lê Quang Bình (Thanh Hóa), Trịnh Thị Nga (Phú Yên), Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) chất vấn nội dung liên quan đến việc tổ chức các trạm thu phí giao thông. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, Bộ không lập thêm trạm thu phí mới nằm ngoài Quy hoạch các trạm thu phí giao thông trên quốc lộ đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, hiện vẫn tồn tại một số hiện tượng tiêu cực và bất cập trong thực hiện thu phí giao thông ở một số trạm. Bộ đang nghiên cứu để triển khai chủ trương xã hội hóa công tác thu phí giao thông và những quy định liên quan đến mức thu phí, đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa nhà đầu tư và người tham gia giao thông.

Liên quan đến tình trạng ùn tắc giao thông, giải quyết các giao cắt với đường sắt, đường quốc lộ với đường nội đô tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nêu rõ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 16 nhằm giảm và giải quyết tình trạng ùn tắt giao thông tại hai thành phố này. Bộ đã có nhiều chương trình phối hợp công tác với Ủy ban Nhân dân hai thành phố để triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Theo phân cấp, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội sẽ trực tiếp quản lý và là chủ đầu tư các công trình giao thông trên địa bàn. Bộ Giao thông Vận tải đóng vai trò quản lý nhà nước phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân hai thành phố làm tốt các giải pháp chống và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Phát biểu kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian tới cần làm tốt một số vấn đề: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến giao thông vận tải; đẩy mạnh việc lập lại trật tự an toàn giao thông tại hai Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong việc giải phóng mặt bằng, giảm tai nạn giao thông.

Bộ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hoàn thành nhanh và đưa vào sử dụng có hiệu quả các công trình hạ tầng giao thông quan trọng; nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải và tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho nhân dân./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục