Vay bò, trả sữa

Nông dân Ba Vì vay tiền mua bò, trả nợ bằng sữa

Cho vay "nửa con bò" không lấy lãi, trả gốc bằng sữa bò trong 15 tháng là cách giúp nông dân Ba Vì thoát nghèo tại đồng đất quê mình.
Vội vàng lấy nắm cỏ voi để các “nàng” bò sữa “lót dạ” bữa sáng, chị Nguyễn Thị Lan lấy chiếc xe thồ đang dựng ở sân, nhoay nhoáy đạp ra Ủy ban nhân dân xã.

Ở đây, từ sớm, đã có hàng trăm người dân của xã Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội) tụ tập. Họ đi vay tiền không lãi để mua thêm bò sữa, phát triển kinh tế…

Cấp “nửa cần câu” cho nông dân

Quệt vội vệt mồ hôi lăn dài trên gò má xạm đen, chị Lan đứng vào hàng, đợi đến lượt. Một lúc sau, trên tay chị đã là phiếu đăng ký vay tiền để mua bò sữa. Đọc rất nhanh tờ giấy, chị Lan mượn anh phóng viên chiếc bút, hí hoáy điền rồi nộp cho anh cán bộ mặc sơ mi trắng muốt cũng đang đầm đìa mồ hôi.

Chị Lan nuôi bò sữa từ năm 2000. Lúc đầu, để có tiền mua một con bò sữa, chị phải cùng chồng đi vay mượn đến 70% số tiền. Đến nay, bò mẹ đẻ bò con, cho sữa… gia đình chị đã có được 5 “nàng” bò sữa.

Nhà chị Lan thuộc loại “lì” ở cái xã vùng núi khó khăn Vân Hòa. Chỉ mấy năm trước, khi mà giá sữa nội thấp kỷ lục, nhiều người bán bò sữa thành bò thịt thì chị cùng chồng vẫn tin một ngày khởi sắc. Rồi cơ hội đến, lúc “bão” melamin tràn vào Việt Nam thì cũng là lúc các vùng chăn nuôi bò sữa trong nước bật dậy, khẳng định thương hiệu.

Nhưng, khi giá sữa ở mức cao (ở thời điểm hiện tại là 7.500đ – 8.000đ/lít) thì nhiều gia đình lại chẳng có nhiều bò để vắt sữa.

Ở cái hoàn cảnh đầu ra thì dễ, mà nguồn cung thì khó, nông dân Ba Vì lại loay hoay tìm cách phát triển đàn bò. Người có tiền đã đành, nhưng những người dân nghèo, quanh năm quần quật với ruộng đồng và nương rẫy như ở xã vùng núi Vân Hòa thì chuyện đi vay tiền để phát triển đàn bò là điều rất khó.

Tưởng chừng việc phát triển bò sữa đi vào bế tắc thì xã Vân Hòa lại đưa ra một thông báo làm nức lòng nhiều người chăn bò sữa: Ai đầu tư nuôi mới 1 con bò sữa, sẽ được vay 15 triệu đồng, không phải trả lãi.

“Mừng lắm, với số tiền ấy, chúng tôi sẽ mua được “nửa” con bò cho ngay sữa,” ông Đinh Văn Đề (60 tuổi, dân tộc Mường), nói.

Nhăn cái trán hằn lên như những luống cày, ông bảo, chẳng bao giờ nghĩ có ngày được vay tiền để phát triển chăn nuôi mà không phải trả lãi.

Hỏi ra mới biết, nơi cấp “nửa cần câu” cho dân hôm ấy là Công ty Cổ phần sữa Quốc tế.

Lợi cả đôi đường


Ông Đề bảo, điều kiện vay vốn vô cùng đơn giản. Người đến vay tiền chỉ cần có sổ đỏ đất thổ canh, thổ cư hoặc có bảo lãnh của Ủy ban Nhân dân xã. Số tiền vay được, bà con phải cam kết sử dụng để mua bò sữa và bán sữa cho Công ty theo giá thị trường.

Cũng theo cái cam kết này, trong ba tháng đầu tiên, người dân sẽ không phải trả tiền cho công ty.  Song, từ tháng thứ 4 trở đi cho đến tháng thứ 18, người dân phải trả tiền gốc cho công ty bằng… sữa bò, tương đương 1 triệu đồng/tháng.

Nói với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Đình Hồng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vân Hòa phấn khởi: “Xã nghèo, 85% là đồng bào dân tộc nên đời sống bà con còn khó khăn lắm. Được vay mà không phải trả lãi, đó là cách để bà con thoát nghèo nhanh nhất.”

Ông Hồng cũng nói, nguồn thu từ bò sữa chiếm 40% tỷ trọng kinh tế của toàn xã. Song, với 1.200 hộ dân, ở xã Vân Hòa mới chỉ có 250 hộ chăn nuôi bò sữa. Với đợt vay không lãi này, đàn bò sữa 450 con của xã sẽ được bổ sung thêm 110 con, giúp bà con phát triển kinh tế.

Những người dân thì bảo rằng, một con bò cho sữa, tính trung bình mỗi tháng cũng giúp họ “đút túi” được từ hai đến ba triệu đồng. Do đó, việc phát triển đàn bò sữa, với họ là điều cực kỳ quan trọng trong tiến trình vượt khó làm giàu.

Ông Nguyễn Tuấn Khải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sữa Quốc tế, nói đây là sự hợp tác để doanh nghiệp và người dân đều có lợi.

“Người dân có vốn để phát triển đàn bò, còn chúng tôi thì có nguồn sữa cung cấp ổn định. Đó là sự phát triển bền vững,” ông nói.

Vị Tổng giám đốc cả đời gắn với nông dân (ông Khải nguyên là cán bộ ngành nông nghiệp nhiều năm), nói rằng, tham vọng của ông trong ba, bốn năm nữa, nông dân Ba Vì sẽ cung cấp 150.000 lít sữa bò/ngày cho công ty.

Để thực hiện mục tiêu trên, ông Khải đã và đang tiến hành đầu tư vào Ba Vì với tổng số tiền 53,9 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn số tiền sẽ giúp người dân phát triển đàn bò sữa, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi.

“Việc giải ngân cho bà con ở Vân Hòa vay vốn phát triển đàn bò sữa đã là đợt thứ 3 tại Ba Vì, và sẽ tiếp tục trong tương lai,” ông Khải khẳng định.

Ông cũng nói, Công ty cổ phần sữa Quốc tế cũng chuẩn bị xây dựng một nhà máy sản xuất sữa tại xã Tản Lĩnh (Ba Vì).

Chị Lan, ông Đề và nhiều người dân khác tin tưởng, khi nhà máy được xây dựng, sản phẩm sữa của họ sẽ được bán với giá cao hơn bởi đã bớt được phần giá cho nhà trung chuyển.

Ngoài ra, người dân còn phấn khởi bởi nhờ sự phối hợp giữa Trung tâm gia súc lớn Hà Nội và Công ty, họ được đi nhiều lớp tập huấn hơn để tích lũy kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa, quy trình bảo quản, vận chuyển sữa để có chất lượng tốt nhất. Các chuyên gia của Công ty cũng sẵn sàng tư vấn trực tiếp cho bà con khi gặp trường hơp khó…

Rời Vân Hòa khi mặt trời đã lấp sau núi Tản, qua cửa kính ôtô, bên lề đường, nhiều người đang cong lưng đạp chiếc xe thồ, chở lặc lè cỏ voi cho đàn bò sữa ăn đêm khiến người ta tin vào một sự khởi sắc nơi đây. Niềm tin ấy được khẳng định hơn khi nhà nước, người dân, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng chung sức./.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục