Nông dân Đồng Nai đào giếng khắp nơi vẫn phải mua nước sinh hoạt

Hàng trăm héc ta tiêu, ngô (bắp) của nông dân Đồng Nai héo rũ, chết khô vì nắng hạn. Hàng chục ngàn người dân dù sống bên sông nhưng vẫn phải mua nước sinh hoạt.
Nông dân Đồng Nai đào giếng khắp nơi vẫn phải mua nước sinh hoạt ảnh 1(Ảnh minh họa: Dương Giang/TTXVN)

Hàng trăm héc ta tiêu, ngô (bắp) của nông dân Đồng Nai héo rũ, chết khô vì nắng hạn. Hàng chục ngàn người dân dù sống bên sông nhưng vẫn phải mua nước sinh hoạt.

Thiếu nước nên sinh kế của dân Đồng Nai đang bị đe dọa, trong khi đó, những dự án thủy lợi, nhà máy nước đã ra đời, nhưng tất cả vẫn nằm trên giấy.

Đào bới tứ phương tìm nước

Từ đầu mùa khô (bắt đầu từ tháng 11/2014) đến nay, dân trồng tiêu ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), nhà ít đã khoan 3 giếng, nhà nhiều khoan 6 giếng, song nguồn nước vẫn “bặt vô âm tín.”

Nhiều diện tích tiêu của người dân bị nắng “đốt” khô, không còn khả năng cho thu hoạch. Mùa khô ở Đồng Nai vẫn đang ở đỉnh điểm và sẽ kéo dài sang tháng Năm, dân Xuân Thọ không ai dám chắc tiêu của mình sẽ sống sót qua được mùa khô này.

Ông Trần Hữu Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiêu năng suất cao Phước Lộc (xã Xuân Thọ) ngán ngẩm: “Từ cuối mùa mưa năm 2014 (tháng 10) đến nay, dân ở đây đã phải đào bới tứ phương tìm nước. Trước đây, giếng chỉ khoan 50m là có nước, nay dân khoan 110m nhưng vẫn phải trông vào may mắn. Trong câu lạc bộ tiêu Phước Lộc (50 thành viên), các gia đình đã phải lấp hơn 100 giếng khoan vì giếng trơ đáy; một số thành viên có một nửa diện tích tiêu bị chết vì nắng nóng.”

Bốn tháng qua, gia đình ông Thắng đã khoan 6 giếng nhưng chỉ có 1 giếng sâu 120m là có nước. Tuy nhiên, nguồn nước cũng rất nhỏ giọt, một giờ chỉ bơm được khoảng 3 khối nước (các giếng trước đây bơm 1 giờ được 10 khối).

Hiện một giếng khoan dân bỏ chi phí trên 30 triệu đồng, mỗi lần khoan không có nước đồng nghĩa việc ném tiền qua cửa sổ, dù xót xa nhưng với người trồng tiêu Xuân Thọ, khoan giếng là hy vọng duy nhất để có nước cứu cây.

Nắng nóng khắc nghiệt cũng khiến hàng trăm hécta ngô của nông dân xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ) héo quắt, chết khô. Ông Phan Văn Đoàn, Trưởng ấp 8 (xã Thừa Đức) cho biết ấp 8 năm nay trồng trên 300ha ngô, song gần 3 tháng qua trời không có mưa, nắng nóng gay gắt dẫn đến 2/3 diện tích ngô bị thiếu nước, phát triển chậm, một số bị chết.

Để cứu ngô, một số gia đình có hệ thống giếng khoan tại ruộng đã dùng máy bơm để tưới, nhưng ngô cần tưới thường xuyên, mỗi ha 1 lần tưới tốn khoảng 150.000 đồng tiền dầu, chi phí quá lớn nên họ tưới được vài lần là thôi. Người trồng ngô giờ chỉ biết trông trời, những ngày tới trời mưa, ngô sẽ được cứu sống nhưng năng suất chỉ bằng khoảng 30% so với những năm trước.

Bên cạnh thiếu nước sản xuất, nắng hạn cũng khiến hàng chục ngàn gia đình ở Đồng Nai không có nước sinh hoạt. Tại huyện Định Quán, hiện người dân phải bỏ 40.000 đồng mua 1 khối nước.

Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), cho biết xã Phú Ngọc nằm sát bên 2 con sông lớn (sông La Ngà và sông Đồng Nai) nhưng hiện 80% dân số (xã có hơn 4.000 hộ với gần 20.700 nhân khẩu) trong xã phải mua nước để nấu ăn, sinh hoạt.

Ở Phú Ngọc dân vẫn dùng nước giếng khoan, nhưng hầu hết giếng khoan chỉ có nước vào mùa mưa, trong mùa khô, 100 giếng thì có gần 90 cái trơ đáy. Đang là cao điểm nắng nóng, nhiều hộ đông người, mua nước quá tốn kém nên bỏ hàng chục triệu thuê thợ khoan giếng, song khoan rồi đa số phải lấp bỏ vì không có nước.


Dự án vẫn nằm trên giấy

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Xuân Lộc, hiện trên địa bàn huyện nhiều xã rơi vào tình trạng không tìm được nguồn nước tưới cho các loại cây trồng.

Ở xã Xuân Thọ có 720ha tiêu - là vùng trồng tiêu lớn nhất ở Đồng Nai, ở đây cây tiêu được coi là cây “vàng,” song xã không có hệ thống thủy lợi cung cấp nước tưới cho cây công nghiệp. Những năm gần đây, nguồn nước ngầm ngày một khô cạn, sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, huyện Xuân Lộc đã cử đoàn công tác kết hợp với xã Xuân Thọ tiến hành khảo sát, xây dựng hệ thống dẫn nước với kinh phí trên 200 tỷ đồng từ sông La Ngà (đoạn thuộc huyện Định Quán) về.

Dự án này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chấp thuận, Cục Thủy lợi (thuộc Bộ Nông nghiệp) tiến hành khảo sát thực tế, tuy nhiên thời gian khởi động dự án chưa được ấn định.

Tại huyện Định Quán, từ năm 2004, dự án xây dựng nhà máy lấy nước từ sông La Ngà, sau đó xử lý rồi cung cấp cho người dân các xã La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định đã được tỉnh Đồng Nai chấp thuận triển khai. Tuy nhiên, do không kêu gọi được nhà đầu tư nên 10 năm qua, dự án vẫn “bất động,” số vốn thực hiện năm 2004 dự kiến khoảng 30 tỷ đồng, nay đã tăng lên hơn 100 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Yên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Định Quán cho biết sau nhiều năm kêu gọi đầu tư nhưng không mang lại kết quả, mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho Định Quán làm chủ đầu tư và bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện dự án nhà máy nước.

Hiện huyện đang hoàn tất hồ sơ để đăng ký vốn, xong các thủ tục này Định Quán sẽ tiến hành xây dựng nhà máy. Trong khi chờ dự án, người trồng tiêu ở Xuân Thọ cũng như hàng chục ngàn dân ở Định Quán vẫn phải tự mình mò mẫm tìm nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục