"Nông dân không đơn độc khi kiện Vedan ra tòa"

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã khẳng định Bộ sẽ sát cánh bên nông dân khởi kiện Vedan đòi lại công lý.
Buổi họp bàn sáng nay 28/7 về tình hình khắc phục hậu quả vi phạm và giải quyết bồi thường thiệt hại cho người dân của Công ty Vedan tại Bộ Tài Nguyên và Môi trường diễn ra khá căng thẳng.

Thành phần tham dự buổi họp gồm có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa an nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Hội Nông dân Việt Nam... phần nào cho thấy quyết tâm của các cơ quan quản lý trong việc giải quyết dứt điểm hậu quả do Vedan Việt Nam để lại.

Nhiều vấn đề còn vướng mắc xung quanh vụ kiện này như án phí, người cầm lái khởi kiện, mức đền bù thiệt hại hợp lý… đã được các bên tham dự đưa ra thảo luận sôi nổi.

Vedan càng kỳ kèo càng phải kiện

Tại buổi họp, Tổng Cục trường Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến đã công bố những con số bồi thường thiệt hại trong giai đoạn đàm phán của Vedan với yêu cầu của người dân ba tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh phải chịu hậu quả từ vụ Vedan xả thải làm ô nhiễm sông Thị Vải.

Cụ thể, trước yêu cầu bồi thường 54 tỷ đồng của hơn một nghìn người dân Bà Rịa-Vũng Tàu, Vedan chỉ chấp nhận bồi thường 6 tỷ đồng, sau đó “cò cưa” lên mức 10 tỷ đồng trong lần tiếp xúc với nông dân ngày 1/6/2010.

Vedan cũng mặc cả bồi thường từ 7 tỷ đồng lên 12 tỷ đồng, sau đó là 16 tỷ đồng trước yêu cầu hơn 45 tỷ đồng của người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Yêu cầu bồi thường hơn 119 tỷ đồng của nhân dân Đồng Nai, Vedan cũng chỉ chấp nhận mức cao nhất là 30 tỷ đồng sau hai lần "kỳ kèo" lên xuống.

Tại cuộc họp bàn, đại diện cơ quan chức năng của ba tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh đều bức xúc cho rằng Vedan đã không nghiêm túc thực hiện bồi thường thỏa đáng, mặc cả từng đồng đối với người dân đang chịu hậu quả nghiêm trọng từ hành vi vô trách nhiệm của công ty này.

Qua rất nhiều lần thương thuyết, đàm phán nhưng Vedan vẫn kiên quyết không chịu khắc phục hậu quả thỏa đáng, lại ứng xử theo kiểu thương trường, cho thấy doanh nghiệp này rất bất hợp tác. Vì vậy, theo đại diện các cơ quan chức năng của ba tỉnh có người dân bị hại, chỉ còn con đường cuối cùng để giải quyết thỏa đáng mức bồi thường thiệt hại cho người dân và khôi phục hậu quả môi trường là khởi kiện Vedan ra tòa.

Ngay cả Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cũng xác nhận: “Đã đàm phán để thấu tình nhưng Vedan cố tình trì hoãn, mặc cả thì chúng ta sẽ khởi kiện ra tòa cho đạt lý.”

Nối vòng tay tìm công lý

Những lần thương thảo trước với Vedan cho thấy, việc đàm phán và khởi kiện riêng rẽ ở từng địa phương sẽ khó đem lại kết quả như mong muốn. Chính vì thế, cuộc họp này đã tập trung bàn chuyện cần có một tổ chức đứng ra “cầm lái,” liên kết nhiều thành phần trong xã hội từ nông dân, luật sư, các cơ quan quản lý, các Hội và các Bộ, ngành… để tạo nên tiếng nói chung có sức mạnh.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát Môi trường cho rằng nhất thiết cần lập một ban công tác trong đó có đại diện ba địa phương và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng chịu trách nhiệm cùng người dân khởi kiện Vedan để tạo sự nhất quán, thống nhất.

Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khẳng định Hội sẽ nhận trách nhiệm đại diện cho người dân ba tỉnh tiến hành khởi kiện Vedan.

"Lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam sẽ đứng lên chủ trì Ban công tác này và gắn kết Hội nông dân ba tỉnh chuẩn bị những cơ sở pháp lý. Với những chứng cứ ta có được và sự quyết tâm, đồng nhất người dân sẽ thắng kiện và Vedan phải bồi thường thiệt hại mức thỏa đáng,” ông Lượng cho hay.

Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường thì khẳng định, người nông dân sẽ không đơn độc khi khởi kiện Vedan.

“Chừng nào Vedan vẫn còn ngoan cố không nghiêm túc bồi thường cho người dân Việt Nam thì trách nhiệm của Bộ chưa xong. Bộ sẽ trích quỹ để lo toàn bộ án phí lên tới hàng tỷ đồng cho nông dân kiện Vedan ra tòa,” Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cam kết. /.

Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục