Nông dân trồng cao su Phú Yên lo lắng vì giá mủ giảm mạnh

Nông dân trồng cao su huyện Sông Hinh lo lắng đứng ngồi không yên do đang thời điểm mùa thu hoạch mủ nhưng giá giảm mạnh, không đủ bù chi phí thuê nhân công cạo và thu gom mủ.
Nông dân trồng cao su Phú Yên lo lắng vì giá mủ giảm mạnh ảnh 1Thu hoạch mủ cao su. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nông dân trồng cao su huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên lo lắng vì thời điểm này đang là mùa thu hoạch mủ nhưng giá giảm mạnh, không đủ bù chi phí thuê nhân công.

Hiện giá mủ cao su được thu mua để bán cho các nhà máy chế biến dao động từ 11.000-12.000 đồng/kg, giảm từ 6.000-7.000 đồng/kg so với năm 2013 - năm giá mủ xuống thấp nhất.

Với giá thu mua này, người trồng cao su không đủ chi phí thuê nhân công cạo và thu gom mủ, chứ không nói đến việc tích lũy để mua phân bón và chi phí khác để tái đầu tư cho vụ sau.

Hộ ông Ngô Văn Nhàn, xã Ea-Ba trồng 1,7ha cao su, đã khai thác mủ được ba năm nay nhưng do giá hạ nên gia đình không đầu tư chăm sóc.

Theo ông Nhàn, thuê nhân công cạo mủ tốn từ 150.000-200.000 đồng/ngày nhưng chỉ cạo trên dưới 10kg mủ nên không đủ chi phí. Đó là chưa kể đầu năm nay cây cao su bị bệnh phấn trắng làm giảm năng suất nên người trồng lỗ nặng.

Tương tự, anh Cao Thế Nhân cũng ở xã Ea-Ba cho biết, năm ngoái giá mủ khoảng 18.000 đồng/kg, nay giảm đến 1/3 nên những hộ nào đạt năng suất ít nhất 2 tấn/ha như gia đình anh thì còn đỡ, nếu không thì lỗ.

Hiện có khoảng 70% trong số 650ha cao su ở Ea-Ba đã không được người dân chăm gốc và cỏ mọc um tùm trong vườn cao su.

Toàn huyện Sông Hinh có 3.400ha cao su, trong đó có 1.200ha đã cho mủ. Tuy nhiên, chỉ có gần 200ha được người dân khai thác cầm chừng, đợi khi nào giá mủ lên mới cạo.

Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sông Hinh, Trần Thanh Định cho biết do tác động thị trường làm mủ cao su xuống giá, huyện đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã khuyến cáo người dân không nên dao động, chặt phá cây cao su khi giá xuống, mà vẫn phải chăm sóc vườn cây cao su tốt, đồng thời sử dụng công lao động nhàn rỗi trong gia đình cạo mủ cao su để giảm chi phí.

Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc Nhà máy cao su Phúc Đặng Gia làm tốt khâu xử lý môi trường trong quá trình chế biến mủ để hoạt động liên tục và tiêu thụ mủ cho nông dân.

Cao su là một trong ba cây trồng chủ lực huyện miền núi Sông Hinh, chỉ sau cây mía và cây sắn. Những năm mủ cao su được giá, nông dân thu nhập trên dưới 24 triệu đồng/ha.

Trong chiến lược phát triển kinh tế, huyện Sông Hinh phấn đấu đến năm 2015 mở rộng diện tích cây cao su lên ít nhất 5.000ha, hầu hết là cao su tiểu điền do người dân tự đầu tư từ 1-10ha/hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục