Nông dân tự sản xuất máy cày mini trên ruộng bậc thang

Bằng sự say mê và sáng tạo của mình, nông dân Bùi Sỹ Tới ở Văn Chấn, Yên Bái đã sản xuất thành công máy cày mini với nhiều chức năng ưu việt.

Anh Bùi Sỹ Tới, ở thôn Trung tâm, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Yên Bái), hiện đang là chủ của một xưởng sản xuất máy cày mini để giúp nông dân cày bừa trên đồng ruộng bậc thang của vùng núi cao Yên Bái.

Điều đáng nói, mặc dù là một nông dân chính hiệu nhưng bằng sự say mê sáng tạo, anh Tới đã nghiên cứu và sản xuất thành công loại máy cày này với hàng loạt các ưu điểm phù hợp với canh tác trên đồng ruộng của vùng núi cao.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em nên Bùi Sỹ Tới chỉ học hết trung học cơ sở rồi phải ở nhà làm ruộng phụ giúp gia đình.

Lúc nông nhàn, anh học và làm nghề sửa xe máy. Những năm gần đây một số nông dân trong xã đã tính chuyện mua máy móc để sản xuất trên đồng ruộng của mình.

Tuy nhiên, do máy cày bán trên thị trường to và quá nặng, khó hoạt động trên ruộng bậc thang nhỏ và bờ cao tới hàng mét nên khi đưa vào sử dụng không mang lại hiệu quả. Chính vì vậy những người dân trong xã Nậm Búng buộc phải làm đất bằng công cụ truyền thống như cày, cuốc...

Nhận thấy rõ nhu cầu của người dân, đồng thời thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, vất vả cày bừa, cấy hái trên những thửa ruộng bậc thang, Bùi Sỹ Tới đã trăn trở, suy nghĩ để tạo ra chiếc máy cày mini bằng việc tận dụng những động cơ xe máy cũ cùng với những thứ đồ thu mua được từ hàng đồng nát.

Anh Tới đã cải tiến, lắp ráp, thay đổi cơ chế cài số của xe máy từ chế độ dùng chân đạp sang chế độ gạt cần số tay. Đồng thời, cải tiến việc sử dụng các số máy phù hợp với sản xuất như: các số một, số hai dùng cho việc cày, di chuyển lên dốc; số ba, số bốn dành cho việc bừa đất...

Trong quá trình cải tiến, lắp ráp, anh thường xuyên đưa chiếc máy cày tự chế của mình ra những thửa ruộng cạnh nhà chạy thử.

Sau mỗi lần như vậy, anh đúc rút kinh nghiệm và tạo ra sản phẩm tốt hơn. Chính chiếc máy cày này đã giúp bà con nông dân miền sơn cước quê anh (xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn) cùng nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh nâng cao năng suất lao động, giảm bớt nhân lực.

Anh Tới chia sẻ: ''Là con nhà nông nên tôi hiểu công việc đồng áng vất vả thế nào, lại là người biết việc sửa chữa xe máy, thường xuyên va chạm với những động cơ, máy móc nên ý tưởng về một chiếc máy cày siêu nhỏ, có thể dễ dàng vận chuyển trên địa hình đồi dốc và cày được ở nhiều loại đất đã thôi thúc tôi nghiên cứu, tìm tòi và đến nay cũng đã có những sản phẩm đầu tay.''

Nhờ có những tính năng ưu việt như: phần thân chắc chắn, gọn nhẹ, ba bộ bánh phù hợp với từng điều kiện hoạt động: bánh lồng cày, bánh lồng bừa, bánh hơi để di chuyển, cần để lắp lưỡi cày (hoặc bừa) và hệ thống bánh răng giảm tốc, tăng lực cho máy, sau đó gắn động cơ của xe mô tô (xe gắn máy) nhỏ gọn, nặng không đến 90 kg, nên dễ vận chuyển trên địa hình đồi dốc, công suất không thua kém gì các loại máy cày trên thị trường.

Điều đáng nói là việc chuyển máy cày từ thửa ruộng nhỏ này sang ruộng khác khá dễ dàng, trong khi đó máy lại tiêu hao ít nhiên liêu (chỉ với một lít xăng có thể cày bừa được 1.000m2 ruộng) nên chiếc máy cày tự chế của anh Tới sau một thời gian đã nhanh chóng được nhiều bà con nông dân tin dùng.

Vụ hè thu năm 2012, anh bắt đầu cho ra đời sản phẩm đầu tiên của mình. Do nhận thấy máy cày do anh Tới chế tạo phù hợp với ruộng bậc thang vùng cao nên nhiều người dân trong khu vực đã đến xem và đặt mua.

Cuối năm 2012, anh Tới đã bán được bốn máy cày và hiện vẫn đang hoạt động rất hiệu quả ở các xã Nậm Búng, Tú Lệ, Phù Nham (Văn Chấn) và Nậm Có (Mù Cang Chải).

Ông Bàn A Chiệp, thôn Nậm Pươi, xã Nậm Búng cho biết: ''Gia đình tôi có hai sào ruộng, trước phải thuê trâu để cày bừa, vừa mất nhiều công sức mà hiệu quả bừa đất lại không cao. Đã ba vụ nay, tôi chuyển sang sử dụng chiếc máy cày do anh Tới tự chế, công việc cày bừa đã tiện lợi và nhanh gọn hơn rất nhiều.''

Tiếng lành đồn xa, hiện người đến đặt mua máy cày của anh ngày càng nhiều, không chỉ nông dân trong vùng mà còn nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Bình Phước, Bình Dương... đến để đặt mua.

Do vậy anh Tới đã mở xưởng sản xuất và thuê thêm bảy nhân công giúp việc, lương tháng từ 3-5 triệu đồng.

Theo ước tính, vào thời cao điểm, trung bình mỗi ngày, xưởng của anh Tới hoàn thiện xong một chiếc máy cày. Tùy thuộc vào loại động cơ tốt hay trung bình, động cơ xe máy mới hay tái chế mà giá thành máy cày khác nhau (trung bình dao động từ 8- 13 triệu đồng/máy). Máy xản xuất ra đến đâu được bán hết đến đó.

Được biết, hiện anh Tới đang làm đơn lên Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái đăng ký bản quyền cho chiếc máy cày mini; đồng thời, hoàn thiện hồ sơ để tham gia Hội thi sáng tạo khoa học- kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ sáu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục