Nông nghiệp ASEAN: Liên kết đối phó khủng hoảng

Nhiều chuyên gia nông nghiệp trong khối ASEAN cùng có mặt trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội để bàn biện pháp tăng tính liên kết, nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp - một trụ cột phát triển kinh tế của khối hiện đang đặt trước nhiều thách thức do khủng hoảng lương thực và khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp trong khối ASEAN cùng có mặt trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội để bàn biện pháp tăng tính liên kết, nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp - một trụ cột phát triển kinh tế của khối hiện đang đặt trước nhiều thách thức do khủng hoảng lương thực và khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
 
Hội thảo “Hợp tác phát triển nông nghiệp, hướng đến cộng đồng kinh tế ASEAN” lần thứ 33 do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam tổ chức trong ngày 27-28/11, tập trung thảo luận biện pháp tăng cường tính liên kết trong nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, tạo lập thị trường nông sản chung, phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn.
 
Các ý kiến tại hội thảo đều chung nhận định nông nghiệp-nông thôn-nông dân là một trong những yếu tố quyết định sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội của từng quốc gia thành viên ASEAN. Dù chiếm ưu thế trên thị trường thế giới về sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nhưng nông nghiệp ASEAN cũng là lĩnh vực dễ bị tổn thương, chịu nhiều thiệt thòi, lại chưa huy động được nhiều nguồn lực cho nghiên cứu khoa học-công nghệ, phát triển sản xuất.
 
Ông Trần Đức Minh, nguyên là Phó Tổng thư ký ASEAN và Thứ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam, cho rằng dù có rất nhiều lợi thế trong phát triển các mặt hàng nông sản nhưng các nước thành viên ASEAN chưa có sự phối hợp chặt chẽ để tăng sức cạnh tranh trên thị trường châu Á và thế giới. 
 
Đồng tình với nhận định này, Giáo sư Chamuri Siwar, Đại học Kebangsaan (Malaysia), cũng nhận định an ninh lương thực ở ASEAN đang chịu nhiều thách thức khi nhu cầu tăng cao do dân số tăng, lượng dự trữ trên toàn thế giới lại giảm, cộng thêm những tác động từ biến đổi khí hậu, chính sách năng lượng sinh học của các nước phát triển. 
 
Thực tế thời gian qua, việc chưa có thương hiệu chung, cũng như thiếu các tổ chức liên kết chặt chẽ, thiếu cơ chế phối hợp trên thị trường thế giới đã hạn chế sự lớn mạnh của nông nghiệp cũng như của nền kinh tế các quốc gia thành viên ASEAN. 
 
Vì vậy, tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh lương thực và xoá đói giảm nghèo đang được coi là giải pháp cần thiết trước mắt để đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Một chương trình khung và một kế hoạch hành động trung hạn về an ninh lương thực trong khối cùng với một loạt dự án hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp được thông qua trong Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 30 tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 10 vừa qua cũng nhằm mục tiêu này.
 
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng giới doanh nghiệp ASEAN cần tổ chức các liên minh mặt hàng như: liên minh gạo, liên minh cà phê, liên minh hồ tiêu, hạt điều, cao su. Theo đó, “các nước cùng sản xuất một mặt hàng sẽ hoạt động theo điều lệ, chính sách chung vì lợi ích chung lâu dài của cả ASEAN,” ông Trần Đức Minh nhấn mạnh. 
 
Ủng hộ quan điểm này, Tiến sĩ Hutabarat, Hội Kinh tế Indonesia, cho rằng việc thành lập các liên minh về nông sản trong khu vực là hết sức quan trọng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay. Tuy nhiên, các nước ASEAN cũng cần quan tâm tới thị trường trong nước với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để tiêu thụ nông sản cho nông dân, nhất là nông dân nghèo, nhằm giúp họ vượt qua khủng hoảng hiện nay.
 
Đối với thực tế của Việt Nam, Viện Trưởng Viện kinh tế Trung ương Trần Đình Thiên cho rằng không thể kỳ vọng vào việc giải quyết triệt để các vấn đề nông nghiệp, nông thôn trong một thời gian ngắn mà cần có những giải pháp lâu dài dựa trên cơ chế thị trường và coi hội nhập kinh tế quốc tế là mục tiêu thúc đẩy quá trình cạnh trạnh. 
 
Chuyên gia kinh tế này cũng nhấn mạnh đến các biện pháp đảm bảo an toàn cho khu vực kinh tế nông nghiệp trước các rủi ro tự nhiên và rủi ro thị trường, thay đổi tư duy an toàn lương thực theo kiểu tự cấp, tự túc sang an toàn thị trường và mở cửa, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận toàn diện thị trường đất đai, lao động, tài chính cũng như thị trường tiêu thụ nông sản./. (Ngọc Dung)
 
Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục