Nông nghiệp giúp châu Á thoát "bão" tài chính

Muốn phát triển một nền kinh tế bền vững, các nước phải đầu tư lớn để thúc đẩy phát triển các hệ thống nông nghiệp vì người nghèo.
Ngày 31/8, các diễn giả tham dự hội nghị của Ủy ban Kinh tế-xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) tại Bắc Kinh đã nhất trí rằng mọi chương trình phục hồi nhằm đưa các nước trong khu vực thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay phải bao gồm các biện pháp thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững.

Các diễn giả nêu rõ cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Á-Thái Bình Dương là hậu quả tất yếu của "bão" tài chính hiện nay và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa hợp tác Nam-Nam để vượt qua những thách thức của tình trạng mất an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

Thư ký chấp hành của ESCAP Noeleen Heyzer khẳng định nông nghiệp tác động lớn đến cuộc sống của người nghèo tại các nước châu Á-Thái Bình Dương, hiện đang chiếm tới 2/3 số người nghèo trên toàn cầu.

Vì vậy, nếu muốn phát triển một nền kinh tế bền vững và đa dạng trong tương lai, chính phủ các nước phải đầu tư lớn để thúc đẩy phát triển các hệ thống nông nghiệp vì người nghèo.

Theo bà Heyzer, giá lương thực cao do chi phí năng lượng tăng vọt và cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã làm cho việc đổi mới kỹ thuật nông nghiệp trở thành nhân tố sống còn để tạo ra một khu vực châu Á-Thái Bình Dương thống nhất hơn trong sự đa dạng, thoát khỏi đói nghèo.

Ngày 31/8, tại tỉnh miền Tây Kanchanaburi của Thái Lan đã khai mạc hội thảo về chiến lược phát triển kinh tế xanh dành cho các nước Đông Nam Á do ESCAP tổ chức.

Trong hội thảo kéo dài 6 ngày này, quan chức chính phủ các nước trong vùng sẽ thảo luận về các biện pháp phát triển kinh tế thải ra ít khí đioxit cacbon (CO2), nâng cao hiệu quả về sinh thái cùng các vấn đề về môi trường và kinh tế khác.

Các đại biểu cũng sẽ trao đổi kinh nghiệm và những chính sách thực tế nhằm đối phó với các vấn đề kinh tế và khí hậu thay đổi hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục