Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Đói vốn trung, dài hạn

Để phát huy được hiệu quả tối đa ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thì vốn là vấn đề rất lớn và rất cấp thiết.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Đói vốn trung, dài hạn ảnh 1Cánh đồng mẫu lớn. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN).

Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn để hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu về ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu.

Để phát huy được hiệu quả tối đa ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, bên cạnh những yếu tố như đất đai, cơ chế chính sách thì vốn là vấn đề rất lớn và rất cấp thiết.

Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao” do báo Nhân dân phối hợp Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 15/5, tại Hà Nội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tín dụng năm nay vẫn tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, tín dụng ngân hàng sẽ tập trung nhiều hơn cho việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhiều rào cản khi tiếp cận nguồn vốn

Công ty cổ phần sữa TH (TH TrueMilk) đã đầu tư công nghệ nuôi bò sữa và chế biến sạch quy mô lớn theo tiêu chuẩn quốc tế; mô hình về trồng hoa và rau ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng và một số mô hình khác tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hậu Giang, An Giang, Thái Nguyên...

Để làm được điều này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư vô cùng lớn nên đầu tư công nghệ cao cho lĩnh vực nông nghiệp luôn được các ngân hàng coi là  lĩnh vực tiềm năng để khai thác và tăng trưởng tín dụng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, một trong những mô hình liên kết điển hình trong nông nghiệp là mô hình cánh đồng mẫu lớn của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang. Công ty này đã đưa mô hình “đầu tư, thu mua và chế biến lúa gạo” tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang (còn gọi cánh đồng mẫu lớn) vào hoạt động.

Nông dân tham gia được Công ty tạm ứng trước (không tính lãi) giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và được bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường (bao gồm cả vận chuyển, sấy lúa tươi miễn phí). Trường hợp giá thấp nông dân chưa bán thì công ty cho gửi tại kho tối đa 30 ngày không thu phí.

Tuy nhiên, để đưa ra được mô hình trên thì doanh nghiệp phải huy động rất nhiều nguồn vốn khác nhau, đặc biệt là nguồn vốn ngân hàng. Nhưng theo phản ánh của một số doanh nghiệp, có nhiều trở ngại từ hệ thống ngân hàng đã cản trở quá trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Điển hình, vốn yêu cầu rất lớn vào lĩnh vực này nhưng khả năng đáp ứng qua kênh ngân hàng kể cả ngắn hạn và dài hạn chỉ bảo đảm được 50%. Thủ tục và điều kiện vay ngân hàng phức tạp; vốn vay lại chủ yếu là ngắn hạn, không đáp ứng chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thường phải trả trước hạn thu hoạch... Thêm nữa, quy định cụ thể cho từng vòng đối tượng vay chưa rõ, đặc biệt hệ thống chế độ tiêu chuẩn, thủ tục tín dụng, vốn từng loại đối tượng từng vùng vẫn chưa kịp điều chuyển sát hơn với nhu cầu thực tế.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt cũng kiến nghị được vay vốn trung dài hạn, chứ hiện nay công ty chỉ được vay vốn ngắn hạn với lãi suất 9-10%. Chính vì do thiếu vốn nên công ty chỉ đầu tư từng phần. Còn vốn ngắn hạn thì công ty sẽ vay theo vụ mùa.

Ông Sơn kiến nghị thêm, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thế chấp bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay, đặc biệt là nhà kính nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước đầu tư, cung ứng, chuyển giao kỹ thuật nhà kính cho các doanh nghiệp, hộ dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thu hồi nhà kính theo tỷ lệ định giá tài sản còn lại do khách hàng hoạt động không hiệu quả bằng cách cung ứng cho doanh nghiệp và các hộ dân khác có nhu cầu đầu tư.

Nông dân được vay tín chấp

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành khảo sát, nghiên cứu và xây dựng chính sách thí điểm để triển khai.

“Chương trình thí điểm cho vay hỗ trợ của ngành ngân hàng trong mô hình liên kết này hướng vào hai nội dung là giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm sản xuất liên kết, thông qua việc cho vay lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường). Ngoài ra, còn tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm theo hướng sẽ cho vay tín chấp nếu nông dân và doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết có cơ sở pháp lý và ngân hàng kiểm soát được dòng tiền tham gia vào quá trình liên kết,” ông Mạnh nhấn mạnh.

Agribank là một trong những ngân hàng chủ lực của nông nghiệp nông thôn. Tính đến hết năm 2013, dư nợ lĩnh vực này đạt 378.985 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cuối năm 2012, chiếm tỷ lệ 71.4% tổng dư nợ cho vay.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng giám đốc Agribank, trong thời gian qua, ngân hàng cho vay các dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả lớn. Điển hình tại thành phố Cần Thơ, Agribank đã cho vay theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đối với Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ. Tại Hà Nam, Ngân hàng này cũng đã triển khai cho vay theo mô hình liên kết 4 nhà để chăn nuôi lợn gồm: người chăn nuôi, nhà cung cấp, ngân hàng và người tiêu thụ.

Lãnh đạo Agribank kiến nghị, để việc cho vay vốn đạt hiệu quả các địa phương từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Trên cơ sở đó xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản gắn với sản xuất. Tránh tình trạng mất cân đối giữa vùng nguyên liệu và các cơ sở chế biến dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán đã diễn ra trước đây.

Còn lãnh đạo VietinBank cũng cho biết, trong thời gian qua Ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn, trong đó tập trung cho vay thu mua nông sản, thủy sản phục vụ sản xuất kinh doanh, chế biến hàng xuất khẩu.

“Trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ tiếp tục tạo điều kiện và dành nguồn vốn cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu các sản phẩm trong nghiệp nghiệp vay nếu họ có nhu cầu,” lãnh đạo VietnBank nhấn mạnh./.

Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Bộ Khoa học và công nghệ và các tổ chức tín dụng đã đi khảo sát và dự kiến lựa chọn khoảng 20 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, như mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... để thí điểm chương trình tín dụng này.

Đến cuối năm 2013, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã đạt 671.986 tỷ đồng, tăng 19,67% so 31/12/2012 (mức tăng chung của nền kinh tế là 12,51%) và tăng gấp 2,29 lần so với năm 2009, là thời điểm trước khi ban hành Nghị định 41.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục