Nông nghiệp vẫn là một thách thức lớn đối với "Lục địa đen"

Mặc dù có nhiều cố gắng trong việc khắc phục khủng hoảng lương thực nhưng các nước châu Phi vẫn sẽ gặp nhiều thách thức trong phát triển nông nghiệp.
Nông nghiệp vẫn là một thách thức lớn đối với "Lục địa đen" ảnh 1Người tị nạn Somalia xếp hàng chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại Mogadishu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Do giá lương thực trên thị trường thế giới năm 2008 tăng cao châu Phi đã rơi vào nạn đói.

Chính nạn đói năm đó là bài học lớn cho các nước tại châu lục này. Đó là cần hạn chế nhập khẩu và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Bảy năm sau nạn đói, bóng ma của cuộc khủng hoảng lương thực thường trực tại châu Phi đã bị đẩy lùi.

Theo Viện Phát triển Hải ngoại (ODI) của Anh, sản lượng ngũ cốc thế giới đã tăng gấp đôi từ năm 2008, làm cho giá lương thực ở mức vừa phải hơn. Các nền kinh tế phía Nam châu Phi đã góp phần lớn vào kỳ tích này.

Tháng 5/2014, ODI cho biết châu Phi hạ Sahara đã tăng sản lượng ngũ cốc lên 24 triệu tấn kể từ năm 2008.

Tuy nhiên, nhiều nước vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu ngũ cốc ngày càng tăng của họ chẳng hạn như các nước Maghreb.

Năm 2014, sản lượng của các nước này giảm khoảng 20%, xuống còn khoảng 12,9 triệu tấn.

Thu hoạch lúa mỳ của Algeria giảm từ 3,3 triệu tấn xuống còn khoảng hai triệu tấn do tình hình hạn hán ở phía Đông quốc gia này.

Để đáp ứng nhu cầu, Algeria, Morocco và Tunisia sẽ phải nhập chín triệu tấn lúa mỳ và 5 triệu tấn ngô trong những tháng tới.

Tại Tây Phi, dù sản lượng ngũ cốc đạt 56,6 triệu tấn năm 2014, tăng 3% so với năm 2013, nhưng theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), phần lớn các nước này vẫn sẽ phải nhập khẩu.

Trước hết ở cấp độ khu vực, do thiếu mưa, các nước này sẽ phải nhập khẩu cao lương và kê, ngoài ra còn phải mua lúa mỳ và gạo trên thị trường thế giới.

Theo ông Yann Lebeau, người phụ trách khu vực Mahgreb-châu Phi thuộc Hiệp hội xuất khẩu ngũ cốc của Pháp, các nước Tây Phi và Trung Phi sẽ phải nhập khoảng tám triệu tấn lúa mỳ, trong đó Nigieria chiếm khoảng một nửa.

Châu lục đen cũng đang phải phụ thuộc vào gạo nhập khẩu. Mỗi năm, các nước xuất khẩu gạo châu Á đáp ứng 40% nhu cầu gạo của khu vực này, tương đương 14 triệu tấn gạo, bất chấp những nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong nước của Senegal, Côte d’Ivoire hay Nigieria.

Việc trồng ngô rất tốn nước trong khi nước còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Về vấn đề này, 2015 sẽ là năm đặc biệt tại khu vực miền Nam châu Phi vì tình trạng khô hạn, có thể sẽ là tồi tệ nhất kể từ 23 năm qua, làm ảnh hưởng đến năng suất của Nam Phi.

Sản lượng ngô trắng của nước này giảm 1/3, buộc Nam Phi phải nhập khẩu từ Argentina để bù đắp cho sự thiếu hụt.

Vụ mùa trước là một thảm họa đối với Algeria khi mà sản lượng lúa mỳ giảm 30%. Chính phủ nước này khẳng định đó là do thời tiết thất thường, đồng thời cho biết đã triển khai các giải pháp hỗ trợ người nông dân.

Quốc gia Bắc Phi này đã từng công bố kế hoạch không phải phụ thuộc nhập khẩu ngũ cốc trong một tương lai gần, nhưng có vẻ kế hoạch tự chủ ngũ cốc của nước này đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Với 3,4 triệu tấn sản lượng trong niên vụ 2013-2014, giảm hơn 30% so với niên vụ trước đó, Algeria có vụ thu hoạch năng suất thấp nhất kể từ sáu năm qua.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Algeria, Abdelwahab Nouri, giải thích mùa màng thất bát là do thiếu mưa. Hạn hán vừa qua đã làm 600.000 người trồng lúa mỳ tại Algeria rơi vào cảnh khốn đốn.

Theo số liệu của Viện nghiên cứu kỹ thuật trồng trọt, gần 800.000ha trong tổng số 3,3 triệu ha dành cho việc trồng ngũ cốc đã bị bỏ không. Đây là một đòn mạnh giáng vào Chính phủ Algeria khi mà hàng năm đều tăng ngân sách dành cho nông nghiệp.

Trong khi đó, Nigieria sẽ phải nhập khoảng ba triệu tấn gạo trong năm nay. Nhưng chính phủ và khu vực tư nhân nước này sẽ nỗ lực nhiều hơn để Nigieria có thể tiến tới tự chủ về gạo.

Nigieria hy vọng sẽ sớm chấm dứt nhập khẩu gạo. Từ năm 2011, nước này áp dụng một kế hoạch hành động nhằm tự chủ lương thực vào năm 2015.

Nhưng theo FAO, dù là sản lượng trong nước tăng lên (4,9 triệu tấn lúa gạo năm 2014), nhập khẩu sẽ vẫn rất lớn. Đối với niên vụ 2014-2015, nước này cũng sẽ nhập khoảng 3 triệu tấn gạo.

Tập đoàn Olam của Singapore đã cam kết quy hoạch 10.000ha đất tại bang Nassarawa để xây dựng một nhà máy xay xát gạo với công suất 105.000 tấn gạo trắng.

Olam ước tính sẽ đầu tư 18 tỷ naira (40 triệu euro). Tập đoàn Stallioncos trụ sở tại Dubai cũng góp phần làm tăng sản lượng lúa gạo tại Nigieria, và đã đầu tư để xây dựng một nhà máy xay xát có công suất 360.000 tấn một năm.

Tuy nhiên, thông báo gây tiếng vang lớn nhất thuộc về tỷ phú Aliko Dangote cho biết hồi tháng 8/2014 đã ký một thỏa thuận với Chính phủ Nigieria đầu tư một tỷ USD (760 triệu euro vào thời điểm đó) vào việc sản xuất bốn triệu tấn gạo.

Ông Dangote hiện có 150.000ha đất và dự kiến sẽ xây dựng hai nhà máy xay xát gạo với công suất 120.000 tấn gạo trắng và sẽ tăng gấp đôi công suất trong hai năm tới.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nigieria, Akinwumi Adesina, hy vọng: “Chúng tôi sẽ là Thái Lan của châu Phi”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục