"Nóng" phiên giải trình của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về chuyện cụm thi

Hàng loạt vấn đề liên quan đến việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia cũng như tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 đã được các đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
"Nóng" phiên giải trình của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về chuyện cụm thi ảnh 1Thí sinh trao đổi bài sau buổi thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Cách tổ chức cụm thi của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia thế nào? Có nên tổ chức như hiện nay với các thí sinh chỉ xét tốt nghiệp để các em không quá vất vả? Có đảm bảo công bằng không khi tiêu chí ở hai cụm thi sẽ khác nhau?...

Hàng loạt vấn đề liên quan đến việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia cũng như tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 đã được các đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tại phiên giải trình sáng nay, ngày 23/9. Phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội.

Theo các đại biểu, đây là đây là vấn đề lớn, tác động lớn đến toàn xã hội, vì vậy Bộ trưởng phải làm rõ nhiều điều.

Băn khoăn cụm thi

Bà Hoàng Thị Hoa, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt câu hỏi: “Dự báo có những cụm thi có tới 40.000 thí sinh. Nếu cụm thi ở tỉnh có số lượng thí sinh đông như vậy thì áp lực rất lớn, Bộ đã tính toán chưa?”. Đại biểu Phạm Tất Thắng thì lo lắng “việc phối hợp giữa giáo viên ở tỉnh và các trường đại học ra sao? Tập huấn thế nào? Tiêu chí nào để chọn trường chủ trì tổ chức thi?”

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, phương án của Bộ hướng đến là tổ chức theo cụm thi. Có hai loại hình là thi tại tỉnh và liên tỉnh.

Với các học sinh chỉ có mục tiêu tốt nghiệp thì để tạo điều kiện cho các thí sinh, Bộ tổ chức cụm thi ở tỉnh để học sinh đỡ đi lại, tốn kém.

"Nóng" phiên giải trình của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về chuyện cụm thi ảnh 2Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Về việc coi thi, chấm thi theo cụm, Bộ sẽ giám sát, thanh tra rất chặt chẽ. (Ảnh: TTXVN)

Với những học sinh có mục tiêu xét tuyển đại học, cụm thi sẽ được tổ chức liên tỉnh. “Thi đại học ba chung trong những năm qua, Bộ đã tổ chức 4 cụm thi ở Tây Nguyên, Cần Thơ, Vinh, Hải Phòng. Trước đây có hai kỳ thi thì sau khi thi xong tốt nghiệp, học sinh phải đến thi đại học ở cụm. Nhưng lần này các cháu đi 1 lần đến cụm thi. Với những học sinh ở vùng miền núi, do địa bàn đi lại khó khăn thì sẽ được thi ở cụm thi địa phương,” ông Luận nói.

Cũng theo Bộ trưởng Luận, Bộ căn cứ vào năng lực của các trường đại học (cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh nghiệm tổ chức thi) để xác định trường đại học nào được chủ trì cụm thi. Trong quá trình tổ chức coi thi, chấm thi theo cụm, Bộ sẽ giám sát, thanh tra rất chặt chẽ.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, với những thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ nên tổ chức thi tốt nghiệp như hiện nay để thí sinh thuận lợi trong dự thi. Bộ cần tìm phương án để các thí sinh chỉ thi tốt nghiệp không cần phải đến các cụm thi xa gây phiền hà và tốn kém cũng là đề nghị của đại biểu Đàm Mỹ Hương.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Luận cho biết, Bộ sẽ lấy ý kiến các địa phương để đưa phương án khả thi nhất. “Riêng với cụm thi dành cho các thí sinh tham gia xét tuyển đại học thì không thể tổ chức cụm theo tỉnh vì hiện nay dư luận chưa tin kỳ thi tổ chức ở tỉnh. Mặt khác, không phải tỉnh nào cũng có trường đại học đủ uy tín, nên chắc chắc chưa thể tổ chức thi cụm ở từng tỉnh được,” ông Luận nói.

Có đảm bảo công bằng?

Cũng liên quan đến cụm thi, nhiều giả thiết được các đại biểu đặt ra như nếu xảy ra tình trạng tiêu cực thì có thi lại không để bảo đảm công bằng cho các thí sinh? Nếu thí sinh thi ở cụm địa phương nhưng điểm cao thì có được xét tuyển vào đại học, cao đẳng hay không?

Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng Bộ cần tính toán kỹ hơn cụm thi ở địa phương.

Phân tích cụ thể hơn, ông Thi cho rằng, nếu để tạo thuận lợi cho thí sinh ở vùng xa, khó khăn thì nên tổ chức thi ở địa bàn cho học sinh miền núi, hải đảo, vùng sâu xùng xa, tức là vẫn thi như cũ. Học sinh nào muốn vào đại học thì thi ở cụm thi do trường đại học tổ chức.

Tuy nhiên, ông Thi cũng khẳng định chắc chắn tính nghiêm túc của 2 cụm thi này sẽ khác nhau vì tiêu chí coi thi ở 2 cụm thi khác nhau, và theo đó, dự báo, thi ở cụm thi của trường đại học điểm thi sẽ thấp hơn, thi ở cụm thi ở địa phương điểm cao hơn.

Như vậy sẽ không bảo đảm công bằng cho học sinh, kể cả trong xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học và không tạo mặt bằng chung. Mặt khác, các trường thi riêng sẽ vẫn được xét tuyển thí sinh thi ở cụm thi địa phương. Vì thế, cần dự phòng để hạn chế việc thí sinh chỉ thi ở cụm thi địa phương, sau đó có điểm cao thì nộp đơn vào các trường tuyển sinh riêng.

“Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán kỹ các phương án về cụm thi để loại trừ những bất cập không cần thiết,” ông Thi nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục