​'Nóng' vấn đề dùng dữ liệu định vị làm bằng chứng phá án ở Đan Mạch

Theo truyền thông Đan Mạch, có khoảng 10.700 vụ án từ năm 2012 cho đến nay đang được thẩm tra lại sau khi xuất hiện những nghi ngờ tính xác thực của bằng chứng nói trên.
​'Nóng' vấn đề dùng dữ liệu định vị làm bằng chứng phá án ở Đan Mạch ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: RT)

Việc sử dụng dữ liệu định vị trên thiết bị di dộng làm bằng chứng phá án đang là một vấn đề "nóng" của hệ thống tư pháp Đan Mạch sau khi xuất hiện nghi ngờ về tính xác thực của những bằng chứng này liên quan đến hàng nghìn vụ án. 

Theo truyền thông Đan Mạch, có khoảng 10.700 vụ án từ năm 2012 cho đến nay đang được thẩm tra lại sau khi xuất hiện những nghi ngờ tính xác thực của bằng chứng nói trên.

Cảnh sát Đan Mạch đã bắt đầu xem xét vấn đề này khi họ phát hiện một "con bọ" trong một phần mềm có khả năng thay đổi dữ liệu từ các cột phát sóng điện thoại di động vốn được sử dụng cung cấp thông tin phục vụ quá trình điều tra của cảnh sát. Cụ thể, phần mềm này có thể làm thay đổi thông tin về nhật ký cuộc gọi.

Điều này làm dấy lên quan ngại về khả năng sai lệch thông tin chi tiết về tin nhắn văn bản, cũng như vị trí định vị của thiết bị tại một thời điểm nào đó kết nối với cột phát sóng. 

[Hơn 1.000 ứng dụng Android thu thập dữ liệu dù không được phép]

Giữa tháng 8, Tổng công tố Đan Mạch Jan Reckendorff đã quyết định ngừng sử dụng dữ liệu định vị làm bằng chứng trong công tác điều tra, qua đó 32 đối tượng trước đó bị kết án tù hoặc đang bị giam giữ chờ xét xử, đã được phóng thích. Ông nhấn mạnh không thể căn cứ vào những thông tin thiếu chính xác mà đẩy nhiều người vào tù.

Quyết định của Tổng công tố Reckendorff chỉ mang tính tạm thời, do đó, ông kêu gọi cần ban hành luật cụ thể về vấn đề này.

Bộ trưởng Tư pháp Đan Mạch Nick Haekkerup cũng cho rằng việc điều tra vụ án phải được tiến hành thận trọng tránh sai lầm trong việc xét xử.

Vấn đề mà Đan Mạch đang gặp cũng từng được báo chí quốc tế đề cập thông qua một loạt vụ việc điển hình như năm 2016, một trang tại ở bang Kansas của Mỹ đã bị cảnh sát "ghé thăm" vô số lần để tìm kiếm người mất tích, những tin tặc, nghi can lừa đảo hay ô tô bị đánh cắp do lỗi xác định vị trí định vị.

Một cặp vợ chồng tại thành phố Atlanta, bang Georgia của Mỹ cũng gặp tình huống tương tự. Đến năm 2013, một gia đình tại thủ đô Pretoria của Nam Phi cũng trở thành địa điểm bị cảnh sát ghé thăm nhiều lần do lỗi định vị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục