Chỉ yêu là chưa đủ

NSND Hồng Vân: Yêu chưa đủ, phải có "máu" nghề

Theo NSND Hồng Vân, nhiều nghệ sĩ trẻ bây giờ nổi tiếng dễ quá mà quên rằng để có vị trí trong lòng công chúng, phải có “máu” nghề.
Từ cô gái miền Quan họ trở thành một diễn viên gạo cội với cả những vai diễn hài kịch và những vai chính kịch mang đậm dấu ấn cá nhân, Nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân đã tạo được vị trí riêng trong lòng khán giả.

Chị cũng là một bà “bầu” có hạng tại Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng được cho sân khấu kịch Phú Nhuận một hướng đi riêng, đưa sân khấu đến gần với công chúng hơn. Thế nhưng, không phải lúc nào công việc của người nghệ sỹ này cũng "xuôi chèo mát mái"...

Thiếu vé nếu không gặp sự cố

- Trở về sau chuyến lưu diễn tại Mỹ, chị có điều gì muốn chia sẻ với khán giả?

NSND Hồng Vân: Đưa vở “Kỹ nghệ lấy Tây” sang Mỹ diễn lần này, chúng tôi hướng tới mục đích đưa sân khấu nói chung và kịch Phú Nhuận nói riêng đến gần hơn với kiều bào.

Tiếc rằng, trước khi vở diễn bắt đầu lại có một nhóm người biểu tình chống đối, kêu gọi khán giả tẩy chay chương trình, khiến cho nhiều người đã mua vé không thể vào xem.

Mặc dù vậy, hơn 200 khán giả vẫn vượt qua hàng rào ngăn chặn của nhóm người quá khích này để vào xem, khiến chúng tôi rất xúc động. Nếu không có sự cố đó thì chắc chắn sẽ thiếu vé.

Chúng tôi rất mừng vì vở kịch được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

- Khi sự cố đáng tiếc đó xảy ra, chị có nghĩ vở diễn sẽ phải hoãn lại?

NSND Hồng Vân: Mặc dù đã có mặt ở Mỹ trước buổi diễn vài ngày nhưng tôi không tiên liệu trước được sự việc này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xác định, dù chỉ có một khán giả duy nhất thì vở kịch vẫn sẽ được diễn đúng như tinh thần, cảm xúc đã có với khán giả trong nước.

- Theo chị, nguyên nhân của sự cố này là do đâu?

NSND Hồng Vân: Nhiều nghệ sỹ từng chứng kiến những cuộc biểu tình chống đối các đoàn nghệ sỹ trong nước sang Mỹ biểu diễn từ trước tới giờ cho rằng: Những chiêu trò này không có gì lạ. Lực lượng biểu tình chống đối nghệ sỹ thường là những người không có việc làm, hưởng lương thất nghiệp, bị giật dây bởi một nhóm người.

Theo nhận định của một số nghệ sỹ đã tham gia biểu diễn tại Mỹ, có lẽ nguyên nhân chính là do các bầu sô “tranh ăn” với nhau.

Hiện nay, khi nền kinh tế Mỹ chưa phục hồi, đời sống văn nghệ tại miền Nam California, nơi có đông người Việt sinh sống, đã lâm vào tình trạng đìu hiu, khó thu hút khán giả nếu chương trình không có sự tham gia của nghệ sỹ Việt Nam. Do vậy, “bầu sô” đã dùng chiêu triệt phá nhau.

Làm nghề: Yêu chưa đủ, phải "máu"

- Chị có thể nhận xét khái quát về tình hình sân khấu trong thời gian khoảng 5 năm trở lại đây?

NSND Hồng Vân: Nếu nói là đánh giá chung về tình hình sân khấu cả nước thì quả thực, tôi không dám đâu. Tôi sợ mình sẽ thiếu khách quan, thiếu một cái nhìn bao quát toàn diện vì tôi chủ yếu hoạt động ở sân khấu miền Nam. Bởi lẽ đó, nếu đưa ra nhận xét thì có lẽ tôi chỉ nói về sân khấu miền Nam thôi.

Trên thực tế, quan sát sự vận động của sân khấu kịch Thành phố thời gian gần đây, có thể thấy: Tuy có nhiều điểm diễn nhưng loại hình này lại đang có chiều hướng thoái trào, hoạt động mang tính chất thiếu bền vững.

Cụ thể hơn, nhìn vào phân khúc nghệ sỹ sẽ thấy, sân khấu Thành phố đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực cứng nghề.

- Chị có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?

NSND Hồng Vân: Hiện tại, theo quan sát của tôi, diễn viên chủ yếu tập trung vào mảng phim truyền hình. Họ bị chi phối từ các phim nhựa đến các gameshow, chương trình truyền hình thực tế... Có những bạn diễn viên cùng một lúc chạy sô đóng tới hai, ba phim thì thời gian đâu mà diễn kịch nữa!

Tôi không phê phán gì điều đó bởi nghệ sỹ nào cũng có cuộc sống, gia đình cần chăm lo cùng những cơ hội riêng trong sự nghiệp. Tuy nhiên, tôi rất mong các em đủ bản lĩnh, tỉnh táo để xác định cho mình một con đường riêng nếu muốn làm nghệ thuật thực sự, muốn trụ được với nghề.

Có lẽ, không phải tất cả nhưng hiện nay, có nhiều bạn trẻ nổi tiếng… dễ quá! Các em quên rằng, làm nghệ thuật, để có vị trí bền vững trong lòng công chúng thì cần thực sự  “máu” nghề, đừng chỉ nói yêu nghề không thôi.

Làm sao để sau này, khi nhắc tới, công chúng nhớ đến những vai diễn gắn với mình, đó mới là điều quan trọng.

Thế hệ chúng tôi, để gây dựng tên tuổi, sự nghiệp, chúng tôi đã phải trải qua một quá trình khổ luyện và liên tục phải tự trau dồi bản thân. Không bao giờ được phép bằng lòng với chính mình!

- Còn việc chị nổi danh là một “bà bầu mát tay” vì đã ươm mầm, hỗ trợ các nghệ sỹ trẻ từng bước tạo dựng dấu ấn cá nhân?

NSND Hồng Vân: Điều này thì cũng có. Nhưng vấn đề cơ bản, quan trọng hơn là tôi thấy cần tạo cơ hội cho các bạn trẻ. Những người đi trước như chúng tôi có trách nhiệm phải giúp đỡ những thế hệ sau.

Tôi nghĩ phải “xô,” phải “đẩy” các bạn trẻ ra sân khấu, ra với nghề diễn để khán giả biết và đón nhận. Đó là môi trường rèn luyện tốt nhất.

Hài kịch ồn ào, chính kịch mới bền lâu...

- Chị nghĩ sao về ý kiến cho rằng chính kịch lép vế hơn hài kịch?

NSND Hồng Vân: Không phải như vậy đâu! Hài kịch chỉ gây ồn ào và thu hút khán giả một thời gian thôi; còn cái thực sự ở lại bền lâu, có sức hút lâu dài với khán giả phải là chính kịch.

Những vở kịch hội tụ được cả bi lẫn hài sẽ sâu sắc, đậm chất đời thường và gần gũi, trụ vững trong lòng công chúng hơn.

- Sân khấu kịch Phú Nhuận được coi là đơn vị tiên phong trong việc chuyển thể các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam lên sân khấu. Chị có thể chia sẻ gì về vấn đề này?

NSND Hồng Vân: Đây được coi là hướng đi, con đường phát triển được chúng tôi xác định ngay từ đầu. Chúng tôi đã dàn dựng thành công một số tác phẩm của các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng như “Số đỏ,” “Kỹ nghệ lấy Tây,” “Bỉ vỏ,”... Hiện nay, nhà biên kịch Chu Thơm đã bắt tay vào chuyển thể tiểu thuyết “Giông tố” theo đơn đặt hàng của chúng tôi.

Điều quan trọng nhất là phải nắm bắt được tư tưởng của tác phẩm, làm sống dậy tính thời sự, đồng điệu, đồng cảm với nguyên tác nhưng vẫn phải đảm bảo gần gũi với đời sống hiện đại. Đó chính là chìa khóa! Khi đã tìm ra được chìa khóa rồi thì mọi vấn đề khác đều không còn khó khăn.

- Thưa chị, mục đích của việc chuyển thể những tác phẩm văn học lên sân khấu là gì?

NSND Hồng Vân: Đưa những tác phẩm này lên sân khấu, chúng tôi muốn nhắc nhở công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ về truyền thống dân tộc.

Ngày nay, do bị chi phối nhiều bởi Internet, tivi, đồ chơi công nghệ,… nên nhiều em đã không còn thói quen đọc sách. Chúng tôi hy vọng việc chuyển thể tiểu thuyết nổi tiếng lên sân khấu sẽ là cách thức giúp các em tiếp cận, thẩm thấu giá trị của những tác phẩm này. Tôi rất mừng vì hướng đi này đã được khán giả hết lòng ủng hộ.

- Ngoài danh tiếng của tác giả thì chị lựa chọn tác phẩm theo tiêu chí nào để chuyển thể?

NSND Hồng Vân: Tính thời đại của tác phẩm là điều vô cùng quan trọng. Những tác phẩm đó tuy được viết từ những năm 30 của thế kỷ trước nhưng cho đến nay, tính thời sự vẫn không hề mất đi. Giá trị nhân văn của chúng là điều sẽ còn tồn tại mãi.

Có những vấn đề rất nhân văn như ước nguyện đi tiếp bước bước nữa của phụ nữ góa chồng nhưng trong thời kỳ trước, xã hội lại lên án họ với những định kiến rất nghiệt ngã. Tôi hy vọng khán giả ngày nay không chỉ hiểu mà phải thực sự cảm được điều này.

- Cuối cùng, chị có thể bật mí với khán giả về những tác phẩm tiếp theo mà chị dự định chuyển thể lên sân khấu?

NSND Hồng Vân: Thời gian tới, tôi muốn “chạm” tới văn học Nam Bộ, trong đó, Hồ Biểu Chánh là tác giả không thể bỏ qua.

- Xin trân trọng cảm ơn chi!/.


Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục