Nữ bác sĩ Việt kiều nặng lòng với quê hương

Nữ bác sĩ Việt kiều Bùi Kim Hải là không chỉ là bác sĩ gia đình uy tín tại Bỉ mà còn là trí thức tích cực hoạt động từ thiện giúp đỡ VN.
Một bác sĩ gia đình có uy tín tại Bỉ, một trí thức tích cực hoạt động từ thiện giúp đỡ Việt Nam, một sợi dây kết nối quan hệ Việt Nam-Bỉ, đó là những nét khái quát nhất khi nói về nữ bác sĩ Việt kiều Bùi Kim Hải.

Chúng tôi gặp bác sĩ Bùi Kim Hải tại phòng khám của chị ở thành phố Liège thuộc vùng Wallonie (Bỉ) khi chị đang tíu tít với những bệnh nhân, cả người Bỉ, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco... đã gắn bó với chị hàng chục năm trời và luôn tìm đến chị không chỉ khi ốm đau bệnh tật, mà cả những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống.

Tiếp chúng tôi, chị hồ hởi kể: "Hải đang liên hệ để xin tài trợ cho đoàn Nhà hát Chèo Trung ương sang biểu diễn cho cộng đồng người Việt tại Bỉ xem dịp Tết cổ truyền sắp tới. Có vậy thì giá vé vào cửa mới giảm được, đông đảo bà con đến xem chắc sẽ vui hơn".

Và chị cười, nụ cười làm sáng bừng căn phòng vốn đã ấm áp. Là con gái một nhà tư sản giàu có tiếng ở đất Sài Gòn những năm trước giải phóng, năm 1971, chị Bùi Kim Hải được cha cho sang Bỉ du học ngành y với lời dặn dò: "Sau này dù khó khăn đến đâu con cũng phải trở về Việt Nam để phục vụ người dân nước Nam mình".

Với tâm nguyện đưa dịch vụ chăm sóc y tế đến với mọi người dân, chị chọn học ngành bác sĩ gia đình. Ngày tốt nghiệp, chị không thể về nước ngay bởi khi ấy đất nước còn rất khó khăn, hệ thống y tế lạc hậu, "bác sĩ gia đình" là khái niệm chưa mấy ai biết đến.

Ở lại Bỉ, chị trở thành một bác sĩ gia đình uy tín, được nhiều người tín nhiệm, nhưng trong sâu thẳm chị luôn tâm niệm một điều là phải đem sở học và kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong môi trường y học tiên tiến của Vương quốc Bỉ về giúp quê hương đất nước.

Thế rồi năm 1998, chị bắt đầu những chuyến về nước để khảo sát tình hình tại các bệnh viện ở quê nhà. Tận mắt chứng kiến những thiếu thốn và khó khăn của các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam, chị đã xây dựng những dự án giúp đỡ các bệnh viện ở quê hương.

Cuộc hội thảo giữa các nhà khoa học của trường Đại học Y Liège với trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh năm 2003 là sự hợp tác y tế Việt-Bỉ đầu tiên do bác sĩ Hải "thiết kế".

Kể từ đó, mỗi lần chị Hải về nước, cùng đi với chị là những giáo sư đầu ngành y khoa của Bỉ, họ sang Việt Nam để hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với các đồng nghiệp Việt Nam, giúp đỡ Việt Nam thực hiện các ca mổ tim, ghép thận, cấy điện ốc tai, luyện giọng cho trẻ em bị điếc...

Chị rất tâm đắc với dự án bác sĩ gia đình, do chị làm cầu nối và đang được triển khai có hiệu quả tại một số bệnh viện Việt Nam. Dự án được Bộ Hợp tác và Phát triển Bỉ tài trợ 100.000 euro/năm (150.000 USD/năm) trong đoạn 2008 - 2012.

Theo chị Hải, "bác sĩ gia đình" là cả một hệ thống bác sĩ được đào tạo bài bản, không chỉ khám, chữa các loại bệnh nhẹ và theo dõi sức khỏe cho từng cá nhân mà còn chỉ định các phương pháp y học và giới thiệu cho bệnh nhân những cơ sở y tế thích hợp để điều trị chuyên sâu, từ đó giúp tránh được tình trạng quá tải đang diễn ra ở các bệnh viện Việt Nam.

Bên cạnh những dự án hợp tác y tế, chị Hải còn tích cực tham gia hoạt động từ thiện giúp đỡ bà con nghèo nơi quê nhà.

Chị kêu gọi các cơ sở y tế và viện - trường Đại học Y Liège (Bỉ) đều đặn giúp đỡ thuốc men và thiết bị y tế trị giá hàng chục ngàn euro cho Bệnh viện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên và tỉnh Vĩnh Long quê hương chị.

Và mỗi lần người dân ở quê nhà gặp thiên tai, chị lại tích cực vận động bà con kiều bào và bạn bè Bỉ ủng hộ, chia sẻ. Mới rồi, chị cùng những Việt kiều yêu nước khác tổ chức bữa cơm từ thiện, quyên góp được 1.700 euro ủng hộ các nạn nhân của cơn bão số 9 ở miền Trung và Tây Nguyên.

Trước đó, hồi tháng 7, chị đã dẫn một đoàn trên 30 người gồm các y, bác sĩ và sinh viên y khoa thế hệ thứ hai sống tại Mỹ về Việt Nam để khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, trao quà và tiền trị giá 20.000 USD cho các gia đình nghèo ở Hà Nội và Thái Nguyên.

Chị tâm sự: "Mình rất buồn khi thấy nhiều người nghèo vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ y tế. Mình đang kêu gọi cộng đồng và bạn bè Bỉ đóng góp để mua thẻ bảo hiểm y tế phát miễn phí cho người nghèo, phần nào an ủi họ trong hoàn cảnh còn khó khăn hiện nay".

Nghe lời tâm sự ấy và nhìn vào mắt chị, chúng tôi hiểu rằng, dù đã làm được nhiều việc cho quê hương đất nước chị vẫn muốn đóng góp thật nhiều hơn nữa cho mảnh đất nơi chị đã sinh ra./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục