Nữ dịch giả tật nguyền với "Triệu phú khu ổ chuột"

Mặc cho bệnh tật, cô gái trẻ Bích Lan vẫn miệt mài dịch các tác phẩm văn học nước ngoài và mới nhất là cuốn "Triệu phú khu ổ chuột."
Nguyễn Bích Lan được biết tới như một dịch giả đặc biệt của Việt Nam, bởi cô gái sinh năm 1976 này, ngay từ năm 14 tuổi, đã mang trong mình căn bệnh loạn dưỡng cơ, khiến cơ thể ngày một gầy đi, yếu hơn.

Căn bệnh ấy có thể cướp đi sinh mạng của chị bất cứ lúc nào, vì thế Bích Lan phải nghỉ học ngang chừng, và sau đó tự học tiếng Anh. Mỗi khi bắt tay dịch một cuốn sách, thực sự đó là một cuộc đua với thời gian của chị.

Đến nay, Bích Lan từng tham gia 16 "cuộc đua" như thế, để có 16 bản dịch đã được xuất bản như: "Người đàn ông đào hoa", "Những con người lạ thường", "Vũ điệu trái tim"... và mới nhất là cuốn "Triệu phú khu ổ chuột," tựa gốc là "Q&A" của nhà văn Vikas Swarup do Nhã Nam và nhà xuất bản Văn học ấn hành. Cuốn sách đã được chuyển thể thành phim, đoạt 8 giải Oscar 2008.

Nhân sự kiện ra mắt cuốn "Triệu phú khu ổ chuột," dịch giả Nguyễn Bích Lan đã có cuộc trao đổi với phóng viên về cuộc "chay đua" thứ 16 này của chị.

Duyên cớ nào đã dẫn chị trở thành dịch giả cuốn "Triệu phú khu ổ chuột"?

Đầu năm nay, tôi được công ty Nhã Nam mời cộng tác và họ gửi cho tôi một danh sách các tác phẩm mà họ đã mua được tác quyền. Tôi chọn "Triệu phú khu ổ chuột".

Mặc dù công ty Nhã Nam muốn ra sách nhanh nhưng họ cũng rất nhạy cảm trước điều kiện sức khỏe của tôi. Còn về chuyển ngữ, so với các cuốn sách khác thì cuốn này không đặc khó.

Văn phong của Swarup giản dị nhưng sâu sắc và giàu cảm xúc. Có lẽ thách thức lớn nhất đối với tôi trong khi dịch cuốn này là làm sao trong quá trình chuyển ngữ không làm hao hụt lượng cảm xúc trong câu văn. Khi tôi chuyển bản thảo lên chị Đinh Huyền, biên tập viên của Nhã Nam, tôi nhận được những e-mail bày tỏ sự xúc động của chị đọc bản dịch và tôi nhẹ cả người. Tôi biết rằng tôi đã vượt qua được thách thức lớn đó.

Theo hợp đồng tôi phải hoàn thành bản dịch trong 3 tháng rưỡi. Tôi đã hoàn thành trước thời hạn 20 ngày để có thể đưa bản dịch tới tay bạn đọc sớm nhất có thể.

Được biết, nhiều tác phẩm trước đây chị đã trực tiếp giao dịch với tác giả để thương thuyết bản quyền và sau đó, trong quá trình dịch, khi gặp những chỗ khó, hay chưa hiểu hết nghĩa, chị thường e-mail, trao đổi. Với "Triệu phú khu ổ chuột", chị có thường liên hệ với tác giả để trao đổi trong quá trình dịch không?

Như tôi đã nói, thách thức lớn nhất khi tôi dịch cuốn này là chuyển cảm xúc. Và tôi biết bản thân tôi phải tự vượt qua thách thức đó. Tuy nhiên vẫn có vài từ tiếng Hindu tôi không chắc chắn vào nghĩa, tôi tìm thấy trên internet và tôi phải hỏi tác giả. Ông luôn trả lời thư của tôi rất kịp thời và điều đó giúp mạch dịch của tôi không bị gián đoạn.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Swarup đã tâm sự rằng ông gặp khó khăn lớn nhất khi viết chương "Chuyện một người lính", chương nói về cuộc chiến năm 1971 giữa Ấn Độ và Pakistan. Tôi chuyển ngữ chương đó cũng không dễ dàng gì. Tôi cũng phải tìm đọc các tài liệu về cuộc chiến đó, về các địa danh được đề cập tới, cũng như khi dịch về chương có nhắc tới lăng Taj Mahal, tôi đã phải xem một video giới thiệu công trình nổi tiếng này để có thể dịch được các đoạn tả chi tiết kiến trúc của nó.

Là người đã đóc rất kỹ nội dung tác phẩm, theo chị, tựa đề cuốn sách thích hợp nhất với tên gì: "Hỏi và trả lời" (Q&A) hay "Triệu phú khu ổ chuột"? Hay một cái tựa khác?

Với bạn đọc nguyên tác bằng tiếng Anh thì "Q&A"  hay "Slumdog Millionaire" đều là tên của một cuốn tiểu thuyết mà thôi. Sau khi phi "Slumdog Millionaire" giành nhiều giải Oscar, người ta có xu hướng gọi tiểu thuyết này bằng cái tên "Slumdog Millionaire". Tôi cho rằng đó không phải là sự ăn theo mà là một cái tên rất gợi, cho thấy sự đồng nổi tiếng của cả bộ phim và tác phẩm văn học được chuyển thể.

Chị có thể chia sẻ cảm giác của chị khi dịch xong một cuốn sách? Với cuốn "Triệu phú khu ổ chuột" cảm giác của chị thì sao?

Dịch xong cuốn sách tôi cảm thấy nhẹ nhõm, phấn khởi, hy vọng và thêm tin vào những điều kỳ diệu của cuộc sống. Có lẽ tinh thần của cuốn sách đã truyền sang tôi.

Là dịch giả của bản tiếng Việt cuốn "Triệu phú khu ổ chuột", cũng là một người Việt trẻ, chị có thể chia sẻ những trải nghiệm của mình khi đọc xong tác phẩm nổi tiếng này, nhất là với những người Việt trẻ?

Nhân vật chính trong tiểu thuyết này là một chàng trai trẻ, vì thế thông điệp của cuốn sách hướng vào bạn trẻ nhiều hơn là các đối tượng khác. Tôi nghĩ các bạn đọc trẻ Việt Nam sẽ cảm nhận các thông điệp của cuốn sách theo hướng tích cực.

Một trong những thông điệp rõ nét nhất trong tác phẩm này là hãy sống với trái tim ấm áp, giàu tình người và luôn tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống ngay cả trong những lúc cơ cực nhất, khó khăn nhất.

Và sau "Triệu phú khu ổ chuột" khi nào độc giả sẽ được đọc cuốn sách mới do chị là người chuyển ngữ?

Tôi là dịch giả của 16 cuốn sách, chủ yếu là tiểu thuyết. Là người dịch, tôi khó mà nói cuốn sách nào khiến mình hài lòng nhất. Mỗi cuốn đều là một đứa con tinh thần mà tôi hết sức nâng niu, trân trọng. Tôi đang dành thời gian cho cuốn tiểu thuyết tâm lý khá nổi tiếng "Speaking of Love" (tạm dịch "Hãy nói lời yêu") của một nữ tác giả người Ireland. Một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng khác là cuốn "The Road To Nab End" cũng đang đợi tôi chuyển ngữ.
"Triệu phú khu ổ chuột" là cuốn sách đã được dựng thành phim và giành 8 giải Oscar năm 2008. Câu chuyện xoay quanh những thăng trầm trong cuộc sống của một chàng thanh niên nghèo, từ đó khắc họa khá rõ nét cuộc sống khốn cùng của những người dân Ấn Độ thất học, chịu sự bất công của phân biệt đẳng cấp và tôn giáo./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục