Nữ y tá gốc Việt Nina Phạm đã nhiễm virus Ebola như thế nào?

Thomas Eric Duncan, bệnh nhân người Liberia đã được đưa tới một bệnh viện ở Dallas đã phải chờ đợi tới “vài giờ” trong một căn phòng nơi có cả các bệnh nhân khác rồi mới được đưa đi cách ly.
Nữ y tá gốc Việt Nina Phạm đã nhiễm virus Ebola như thế nào? ảnh 1Nữ y tá gốc Việt Nina Phạm.

Thomas Eric Duncan, bệnh nhân người Liberia với triệu chứng virus Ebola đã được đưa tới một bệnh viện ở Dallas, Mỹ bằng xe cấp cứu và đã phải chờ đợi tới “vài giờ” trong một căn phòng nơi có cả các bệnh nhân khác rồi mới được đưa đi cách ly. Theo nguồn tin đăng tải trên MSN, những y tá chăm sóc cho bệnh nhân này chỉ được trang bị những chiếc áo y tế mỏng với rất ít đồ bảo hộ.

Đây là những thông tin mà các y tá đã cho biết vào hôm thứ Ba, để phản đối ý kiến cho rằng một trong số các y tá đã mắc lỗi trong quá trình chăm sóc bệnh nhân Ebola.

Thông tin này được đưa ra sau khi Nina Phạm, một y tá 26 tuổi tại bệnh viện Texas Health Presbyterian ở Dallas, đã qua khỏi cơn nguy kịch sau do mắc phải virus Ebola từ bệnh nhân Duncan. Lời giải thích của các y tá bệnh viện ở Dallas đã được công bố thông qua bài diễn văn của đại diện Liên đoàn Y tá Quốc gia Mỹ (NNU) có trụ sở đặt tại Oakland.

Roseann DeMoro, giám đốc điều hành NNU, cho biết các y tá không thuộc Liên đoàn không dám xưng tên, hay chia sẻ với các phương tiện truyền thông một cách độc lập, thậm chí không dám đưa ra phát biểu gì qua điện thoại bởi họ lo sợ sẽ bị mất việc. Trong một cuộc gọi hội nghị, các câu hỏi từ những phương tiện truyền thông đã được gửi tới một số y tá thông qua NNU, và những câu trả lời của họ được ghi và đọc lại cho các phóng viên.

DeMoro cho biết tất cả các y tá đều biết rõ một cách trực tiếp những gì đã diễn ra trong những ngày sau khi Duncan nhập viện (ngày 28/9). Cùng với nhiều chi tiết khác, họ cho biết Duncan “đã chờ đợi trong vòng vài giờ, không phải trong khu vực cách ly, mà là ngay tại nơi có cả những bệnh nhân khác nữa.”

Họ mô tả về việc bệnh viện không hề có hướng dẫn rõ ràng nào về công tác xử lý tại chỗ các bệnh nhân Ebola, khi mà mẫu bệnh phẩm của Duncan được gửi qua hệ thống ống vận chuyển thông thường của bệnh viện mà “không hề được niêm phong hay giao tận tay. Kết quả là toàn bộ hệ thống ống, thường được sử dụng để vận chuyển giữa tất cả các phòng thí nghiệm, đều có nguy cơ bị ô nhiễm,” họ cho biết.

"Không hề có sự chuẩn bị trước nào cho việc xử lý bệnh nhân. Không có bất kỳ một quy trình hướng dẫn hay hệ thống nào. Họ yêu cầu các y tá gọi điện cho khoa Bệnh truyền nhiễm nếu có thắc mắc gì," các y tá cho biết.

Các y tá đã phải tự xoay xở trong khi phải xử lý với “một lượng lớn” dịch cơ thể của Duncan, trong khi đeo găng mà không có băng cổ tay, mặc áo y tế không che cổ và không mang giày phẫu thuật. Sau đó, các thiết bị bảo vệ cũng được chuyển tới, nhưng phải đến ba ngày sau khi Duncan nhập viện những thiết bị đó mới được đưa tới.

Phát biểu của các y tá mâu thuẫn với thông tin do các quan chức bệnh viện đưa ra kể từ khi Duncan nhập viện, rằng họ đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt về quá trình chăm sóc các bệnh nhân có triệu chứng Ebola, và y tá Phạm đã nhiễm virus do mắc lỗi.

Sau những lời chia sẻ của các y tá, bệnh viện đã đưa ra tuyên bố: “Sự an toàn của các bệnh nhân và nhân viên bệnh viện là ưu tiên lớn nhất của chúng tôi, và chúng tôi đề cao việc tuân thủ các quy định. Chúng tôi đã có nhiều biện pháp nhằm cung cấp môi trường làm việc an toàn, bao gồm các khóa đào tạo bắt buộc hàng năm, một đường dây nóng 24/7 và các cơ chế khác cho phép báo cáo sai phạm nặc danh. Các nhân viên điều dưỡng của chúng tôi cam kết luôn luôn chăm sóc có chất lượng và nhiệt tình, như những gì chúng tôi đã làm và như thế giới đã chứng kiến tận mắt trong những ngày gần đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét và giải đáp bất kỳ vấn đề gì từ phía các y tá và toàn thể nhân viên bệnh viện.”

Nữ y tá gốc Việt Nina Phạm đã nhiễm virus Ebola như thế nào? ảnh 2Nhân viên y tế phun thuốc ngăn ngừa lây lan virus Ebola. (Nguồn: Reuters)

DeMoro cho biết các y tá đã chủ động tiếp cận và yêu cầu NNU công bố công khai những phát biểu của họ, do bất mãn vì bị đổ lỗi trong việc đồng nghiệp của họ bị lây nhiễm virus.

Những phát biểu này được nêu ra trong khi 76 nhân viên y tế đã tham gia vào quá trình điều trị Duncan đang được theo dõi nhằm phát hiện triệu chứng Ebola, và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cam kết sẽ cải thiện công tác xử lý tại các bệnh viện trong trường hợp xuất hiện thêm các ca nhiễm Ebola.

Trước đó, 48 người đã và đang được theo dõi kể từ khi lần đầu tiên Duncan được chẩn đoán với các triệu chứng Ebola sau khi đến Dallas vào tháng trước, bác sỹ Thomas Frieden, giám đốc CDC cho biết trong một cuộc gọi hội nghị vào hôm thứ Ba. Không một ai trong nhóm ban đầu này, bao gồm thân nhân và bạn bè của Duncan, có dấu hiệu của Ebola, và họ đã trải qua 2/3 quãng thời gian có nguy cơ lây nhiễm cao.

Frieden chia sẻ rằng ông ước gì đã gửi một đội phản ứng nhanh tới bệnh viên Texas Health Presbyterian, nơi Duncan được chữa trị và đã qua đời tuần trước.

Hôm thứ Ba, sức khỏe của cô Phạm đã được cải thiện lên mức tốt. Các quan chức đang điều tra nguyên nhân gây nhiễm bệnh, song chưa xác định được một lỗi cụ thể nào theo quy trình hướng dẫn, Frieden cho biết.

Ông cũng nói thêm rằng chỉ có một người đã có tiếp xúc trực tiếp với y tá Pham, và người này đã được cách ly nhưng chưa xuất hiện triệu chứng gì. Phát ngôn viên của công ty chăm sóc mắt Alcon đã xác nhận người này chính là một nhân viên của công ty.

“Một nhân viên của Alcon đã nhập viện tại bệnh viện Texas Health Presbyterian vào Chủ nhật, 12/10, và đang được theo dõi các dấu hiệu tiềm tàng cũng như triệu chứng của virus Ebola, dựa trên quy trình phòng chống của CDC. Biện pháp được thực hiện do nhân viên này đã tiếp xúc với nhân viên y tế tại bệnh viện Texas Health Presbyterian, người đã có thử nghiệm dương tính với virus. Vẫn chưa phát hiện bất kỳ triệu chứng gì của virus Ebola ở nhân viên của Alcon,” phát ngôn viên Elizabeth Harness Murphy cho biết.

Căng thẳng đã gia tăng giữa các nhân viên y tế kể từ khi Phạm bị nhiễm virus. “Chúng tôi hiểu rằng các nhân viên y tế đều rất lo lắng,” Ủy viên Y tế Texas David Lakey nói với báo giới tại cuộc họp báo.

Giới chức cho biết họ đã rất cẩn trọng trong việc cách ly và theo dõi tới 76 người có thể đã tiếp xúc với Duncan hoặc các sản phẩm từ máu của bệnh nhân này. Ebola có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc với dịch cơ thể của người có triệu chứng.

Frieden cho biết các đội phản ứng sắp được thành lập sẽ bao gồm các chuyên gia hàng đầu thế giới trong việc chăm sóc bệnh nhân Ebola và bảo vệ các nhân viên y tế. Đội phản ứng sẽ kiểm tra các cơ sở y tế, cũng như giúp đỡ đào tạo các nhân viên y tế sử dụng các thiết bị bảo hộ hay xử lý chất thải có hại.

Trường hợp nhiễm Ebola của Phạm đã khiến các y tá trên toàn nước Mỹ lo lắng, theo lời chia sẻ của DeMoro, đại diện cho Liên đoàn Y tá Quốc gia Mỹ.

DeMoro cũng cho biết, khoảng 6.000 y tá đã đăng ký tham gia cuộc gọi hội nghị vào ngày thứ Tư liên quan tới công tác chuẩn bị ứng phó với Ebola.

“Từ những thông tin chúng tôi nhận được trong bệnh viện ở Dallas, tình trạng tại các bệnh viện khác cũng giống như vậy: thiếu sự chuẩn bị và các thiết bị phù hợp. Đó không phải là quy trình chăm sóc bệnh nhân Ebola theo kế hoạch, mà đó là một sự hỗn loạn,” bà phát biểu trước khi CDC công bố thành lập đội phản ứng. “Bất kỳ một bệnh viện nào trên nước Mỹ cũng có thể trở thành Dallas thứ hai.”

Trong khi đó, Nani Pham cho biết cô đang “hồi phục tốt” trong điều kiện cách ly, và đang được bệnh viện chăm sóc rất chu đáo.

“Tôi đang hồi phục tốt và muốn cảm ơn tất cả mọi người vì những lời chúc và lời cầu nguyện tốt đẹp của họ,” Pham cho biết trong một tuyên bố được đưa ra theo yêu cầu của cô. “Tôi cảm thấy may mắn khi có được sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè, và hạnh phúc khi được chăm sóc bởi đội ngũ bác sỹ và y tá tốt nhất thế giới tại bệnh viện Texas Health Presbyterian Dallas.”

Chi phí điều trị sẽ do bảo hiểm chi trả và không trở thành gánh nặng đối với gia đình Pham, bệnh viện cho biết. Bạn bè của Phạm đã thiết lập một trang web: http://www.gofundme.com/fsqtbo nhằm giúp gây quỹ chi trả cho các chi phí khác.

Trong khi các quan chức vẫn tiếp tục ứng phó với trường hợp của Texas, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra cảnh báo vào hôm thứ Ba, rằng số lượng các ca mắc Ebola mới có thể vọt lên con số 10.000 người mỗi tuần.

Tại một cuộc họp báo ở Geneva, trợ lý tổng giám đốc WHO Bruce Aylward cho biết rằng từ nay cho tới tháng 12, dự kiến sẽ có khoảng 5.000-10.000 ca mắc Ebola mới mỗi tuần tại Guinea, Liberia và Sierra Leone - những nước Tây Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt bùng phát dịch.

Theo Aylward, tính đến thứ Ba, đã có tới 8.914 trường hợp mắc Ebola và 4.447 ca tử vong do virus này. Ebola bắt đầu xuất hiện tại khu vực Tây Phi từ tháng 3 năm nay. Ông cũng đưa ra cảnh báo về nhận định cho rằng tốc độ bùng phát đã chậm lại.

Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ với các phóng viên rằng tại một số khu vực bị thiệt hại nặng như hạt Lofa ở Liberia hay Kenema ở Sierra Leone, số lượng các ca nhiễm mới đã có dấu hiệu giảm xuống. Các nhà dịch tễ học cho rằng kết quả này là do việc nâng cao nhận thức của người dân và phản ứng nhanh chóng của các đơn vị điều trị.

Mặt khác, vẫn còn 70% số bệnh nhân tại 3 quốc gia bị ảnh hưởng đang chết dần vì virus Ebola. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với số liệu ước tính trước đó là 50%.

Trong bài phát biểu ở buổi gặp gỡ với các nhà lãnh đạo quân sự các nước mới đây, Tổng thống Obama đã kêu gọi những động thái tích cực hơn nhằm chống lại Ebola.

“Như tôi đã nói trước đây, và tôi sẽ còn lặp đi lặp lại cho tới khi chúng ta nhận thấy tình hình được cải thiện, rằng cả thế giới nói chung vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa,” ông Obama phát biểu trong nỗ lực kêu gọi hành động chống lại cuộc khủng hoảng nhân đạo đang đe dọa tính mạng hàng trăm ngàn người.

Theo ông, Mỹ đang có những bước tiến trong việc viện trợ cho các ổ dịch ở Tây Phi, cũng như tìm hiểu nguyên nhân y tá ở Dallas bị nhiễm Ebola. “Chúng ta có cơ sở hạ tầng y tế công cộng, các hệ thống và sự hỗ trợ, do đó việc bùng phát dịch bệnh ở Mỹ là khó xảy ra. Nhưng rõ ràng, một trường hợp thôi cũng là quá nhiều, và chúng ta phải tiếp tục làm mọi điều có thể, đặc biệt là nhằm bảo vệ các nhân viên y tế của chúng ta, bởi họ chính là những người đứng trên tiền tuyến trong cuộc chiến với căn bệnh này."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục