Nửa chặng đường phát triển kinh tế-xã hội 5 năm

Hội thảo “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược" đã diễn ra tại Hà Nội.
Sáng 23/9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược.”

Đến dự và phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trong gần 2 năm qua, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam bước đầu ổn định, lạm phát, nhập siêu thấp, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, xuất khẩu tăng trưởng đáng kể... Tuy nhiên, kết quả ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đòi hỏi nền tảng vững chắc hơn, các cân đối lớn chưa bền vững. Trong khi phần lớn các nước trong khu vực đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng thì ở Việt Nam, sự phục hồi còn chậm.

Xét về mặt tuyệt đối, khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đang ngày một cách xa. Nhiều mục tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm 2011-2015 có khả năng không thực hiện được. Dư địa chính sách cho mô hình tăng trưởng hiện tại không còn nhiều. Những cảnh báo về một nền kinh tế chứa ẩn nhiều rủi ro và một triển vọng tăng trưởng không mấy tươi sáng đang có nguy cơ trở thành hiện thực. Đời sống của nhân dân tuy có bước cải thiện nhưng vẫn còn rất khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Tội phạm ở thành thị, mâu thuẫn xã hội ở nông thôn, đang trở thành những vấn đề ngày càng lớn.

Nhận thức sâu sắc những khó khăn của nền kinh tế, Đảng và Chính phủ đang quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp nhằm xây dựng một nền kinh tế năng động, hiện đại và có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Phó Thủ tướng tin tưởng rằng ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội thảo sẽ phân tích sâu sắc hơn những khó khăn hiện tại, những nguy cơ và xu thế trong tương lai đối với nền kinh tế Việt Nam. Những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu sẽ giúp Chính phủ có quyết sách mạnh mẽ hơn, linh hoạt và phù hợp hơn, chung sức đồng lòng, chắc chắn sẽ vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước từ sau đổi mới.

Đặc biệt, Việt Nam đang chuẩn bị việc tổng kết 30 năm đổi mới, do đó, việc phân tích này còn có ý nghĩa quan trọng hơn. Việc lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các nhà khoa học với những hình thức thảo luận cởi mở là rất quan trọng và cần thiết để nhận diện đúng nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, đề xuất những điều chỉnh mang tính chiến lược cho nửa sau của kế hoạch 5 năm 2011-2015 và những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng đã gợi mở một số vấn đề đề nghị các đại biểu quan tâm thảo luận như Tại sao nền kinh tế Việt Nam ra khỏi khủng hoảng chậm hơn các nước trong khu vực, những điểm nào trong mô hình kinh tế của Việt Nam tỏ ra không phù hợp với môi trường kinh tế quốc tế hiện nay? Liệu có cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, hệ thống khuyến khích mới để xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, năng động, hiện đại, có khả năng cạnh tranh quốc tế hay vẫn giữ nguyên như hiện nay và chỉ cần chỉnh sửa một vài chỗ. Cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay và những khó khăn kinh tế trong nước có đòi hỏi sự chuyển dịch mạnh mẽ về chính sách ngành hay không...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu đánh giá việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo Nghị quyết Trung ương 3, chỉ ra những hạn chế, yếu kém và những nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Phó Thủ tướng lưu ý các đại biểu thảo luận một số vấn đề lớn như kinh nghiệm phân cấp kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đã cho thấy những bài học gì, mức độ phù hợp đến đâu, vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và duy trì ổn định xã hội. Hiệu quả của mô hình nông thôn mới; gắn mô hình này với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, quy mô kinh tế nhà nước, nhất là vai trò của doanh nghiệp Nhà nước cần thiết đến mức nào...

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nêu rõ với sự nỗ lực của toàn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam đã đạt những thành tựu tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, với những khó khăn thách thức đan xen, nền kinh tế Việt Nam đang phải ứng phó với nhiều vấn đề cần giải quyết như không ít vấn đề lớn và yếu kém của nền kinh tế tồn tại từ nhiều năm, đến nay dưới tác động của khủng hoảng kinh tế và tài chính, suy thoái kinh tế thế giới càng bộc lộ rõ.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô đã ổn định nhưng chưa thật bền vững, còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra dự kiến không đạt kế hoạch, nguy cơ dẫn đến việc tụt hậu ngày càng xa của Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực. Việc huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế. Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được yêu cầu. Các lĩnh vực an sinh xã hội, văn hóa môi trường còn nhiều bất cập, một số vấn đề còn nhiều hạn chế.

Năm 2013 là năm quan trọng đối với Việt Nam. Những kết quả đã đạt được cho đến thời điểm hiện nay cho phép xác định tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trong hai năm còn lại của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015. Các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo sẽ được tổng hợp nhằm cung cấp thông tin tham mưu với các cơ quan liên quan của Đảng, Quốc hội, Nhà nước trong quá trình điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các học giả, nhà quản lý, các chuyên gia quốc tế đã đã trao đổi khoa học, thẳng thắn, tập trung đánh giá, làm rõ bối cảnh trong nước và quốc tế và tình hình tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về kinh tế xã hội.

Các đại biểu phân tích, đánh giá các kết quả đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội cũng như các mục tiêu điều chỉnh tại Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ; những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cần thiết trong lãnh đạo, chỉ đạo; nêu những vấn đề cần nổi lên cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hoặc điều chỉnh cần thiết trong xác định mục tiêu tổng quát kinh tế-xã hội năm 2014-2015.

Qua phân tích, các đại biểu đề xuất các biện pháp thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư toàn xã hội trong khoảng 31-32% GDP trong hai năm tới, tăng cường các nguồn lực và sự đồng thuận của xã hội để phục hồi nền kinh tế.

Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, khơi thông những nút thắt thể chế để phục hội tăng trưởng, tạo nguồn lực mạnh mẽ cho xây dựng kết cấu hạ tầng và đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao./.

Hương Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục