Nửa thế kỉ con người thám hiểm Mặt Trăng

Đúng nửa thế kỉ trước, ngày 14/9/1959, được coi là mốc bắt đầu chương trình thám hiểm và chinh phục Mặt Trăng của nhân loại.
Nửa thế kỉ trước, ngày 14/9/1959, trạm liên hành tinh tự động "Mặt Trăng-2" của Liên Xô lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã "đổ bộ" lên bề mặt Mặt Trăng và để lại đó lá cờ hiệu có hình quốc huy Liên Xô.

Ngày này được coi là mốc bắt đầu chương trình thám hiểm, chinh phục Mặt Trăng của nhân loại, và mãi 10 năm sau, con người mới đặt chân được lên Mặt Trăng.

Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) Anatoly Perminov cho biết hiện nay, Nga là nước duy nhất trên thế giới có những trạm tự động mặt trăng như vậy.

Trong Chương trình vũ trụ liên bang cho tới năm 2015, Nga dự kiến thực hiện 2 dự án đưa trạm tự động lên Mặt Trăng, là "Luna - Globe" (dự kiến phóng lên vào năm 2011) và "Luna - Resurs" (dự kiến phóng lên vào năm 2012).

Dự án "Luna - Globe" nhằm mục đích nghiên cứu cấu trúc bên trong của Mặt Trăng. Các nhà khoa học cũng dự kiến giải đáp câu hỏi Mặt Trăng được hình thành cùng với toàn bộ Hệ Mặt Trời hay chỉ là một "mảnh" của Trái Đất vỡ ra từ vụ va chạm với một hành tinh lớn cỡ Sao Hỏa.

Trong khi đó, dự án chung Nga-Ấn Độ "Luna - Resurs" dự kiến đưa lên Mặt Trăng một thiết bị tự di chuyển.

Bên cạnh đó, Nga cũng thúc đẩy chương trình các chuyến bay có người lái lên Mặt Trăng. Hiện Nga đang nghiên cứu thiết kế hệ thống bay có người lái thế hệ mới bao gồm tên lửa đẩy cùng tổ hợp phóng và tàu có người lái. Nga cũng đang có những chương trình thiết lập trên Mặt Trăng căn cứ để khai thác khoáng sản.

Theo giới khoa học, trong bối cảnh các nguồn năng lượng và tài nguyên khác đang cạn kiệt, Mặt Trăng và các hành tinh có thể là "nguồn cung quan trọng" cho Trái Đất.

Ngoài Nga, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang tiến hành chương trình chinh phục Mặt Trăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục