Nửa thế kỷ sưu tầm, bảo tồn, phổ biến hát Xoan

Dù đã sang tuổi 75, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Dương Huy Thiện vẫn miệt mài công việc bảo tồn hát Xoan nửa thế kỷ của mình.
Dù đã bước sang tuổi 75, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Dương Huy Thiện trông vẫn khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn. Ở ông toát lên vẻ phong trần nhưng có phần gai góc, bản lĩnh luôn thể hiện chính kiến của mình trước các vấn đề nhạy cảm, phức tạp.

Ông Thiện cho biết: "Không phải bây giờ chúng ta mới quan tâm đến việc bảo tồn hát Xoan, chúng tôi - những người làm công tác nghiên cứu  văn hoá dân gian thực ra đã cần mẫn làm công việc này từ hơn nửa thế kỉ nay rồi."

Là người con của vùng quê Hậu Bổng (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) nhưng ông lại gắn bó lâu năm với các vùng đất Lâm Thao, Tam Nông và thị xã Phú Thọ - những vùng đất "địa linh nhân kiệt". Đó cũng là cơ sở thuận lợi để ông cho ra đời nhiều tác phẩm sưu tầm nghiên cứu có giá trị về hát Xoan.

Năm 1957, khi dạy ở trường cấp 3 Hùng Vương, ông đã khảo sát, lập bản đồ văn hóa dân gian tỉnh Phú Thọ. Ông nhận thấy văn hóa dân gian vùng đất Tổ rất phong phú, đa dạng và mang sắc thái riêng của vùng đất cội nguồn - đất Tổ Hùng Vương. Ngoài hát Trống quân Phùng Nguyên, Hưng Hóa, hát ống Sơn Vi, Hiền Quan, hát ghẹo Nam Cường, ông đặc biệt chú ý đến hát Xoan - dân ca nghi lễ mà đậm đà chất trữ tình.

Với chiếc xe đạp cũ kỹ, ông đã đặt chân đến khắp các bản làng từ vùng đồng bằng Cao Mại, Hữu Bổ (huyện Lâm Thao), Hương Nộn (huyện Tam Nông) đến vùng đồi núi các huyện Thanh Sơn, Yên Lập và nhiều vùng miền khác để sưu tầm và bổ sung tư liệu hát Xoan.

Ông Thiện vừa nghe các cụ nghệ nhân ở thôn Phù Đức, An Thái (thành phố Việt Trì) kể về nguồn gốc lời ca, vừa xem các động tác múa của hát Xoan. Nhờ hai bản hát Xoan cùng với bản dịch do Giáo sư Đinh Gia Khánh và Hữu Bổ tặng cũng như những lời hát do các nghệ nhân cung cấp, ông đã hoàn chỉnh bản thảo "Dân ca Phú Thọ" cho Nhà xuất bản văn học năm 1965.

Năm 1979, cuốn "Hát Xoan - Hát Ghẹo Vĩnh Phú" được Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú xuất bản với phần lời ca Xoan - Ghẹo do ông biên soạn. Từ đó, hát Xoan đã xuất hiện trong rất nhiều Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, trong địa chí Phú Thọ, Tổng tập văn nghệ dân gian đất Tổ... Từ năm 1991 đến năm 2000, với tư cách là Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, ông đã tập hợp được lực lượng không nhỏ và bồi dưỡng các thế hệ kế cận có tâm huyết với Xoan nói riêng và văn nghệ dân gian đất Tổ nói chung...

Tại Hội thảo khoa học quốc tế về hát Xoan vừa tổ chức tại Phú Thọ, rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước đề cập đến sự cần thiết phải truyền dạy Xoan trong trường học để bảo tồn làn điệu dân ca quý này. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu  văn hóa dân gian Dương Huy Thiện đã làm điều này ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước. Với lợi thế là nhà giáo, ông đã chọn con đường bảo tồn và lan tỏa hát Xoan ở trường học.

Năm 1964, ông đã đón phường Xoan Phù Đức về trường cấp 3 Long Châu Sa trình diễn hát Xoan để học sinh hiểu về dân ca - dân vũ và nghi lễ độc đáo này. Nhiều năm sau, khi giảng dạy ở các trường cấp 3 Tam Nông, Trung học phổ thông Hùng Vương, Trung học phổ thông dân lập thị xã Phú Thọ, ông đều tổ chức truyền dạy hát Xoan. Có điều người trực tiếp truyền dạy hát Xoan không phải là các nghệ nhân mà là ca sĩ Ngọc Hồi, nhạc sĩ Tạ Thu Hiền - giảng viên trường Đại học Hùng Vương hiện nay.

Theo ông, để học sinh thích thú với hát Xoan, người phụ trách giảng dạy chỉ nên khái quát phần lễ, tập trung dạy phần hội giao duyên trữ tình cho học sinh. Khi múa đồng thời phải thuyết minh nguồn gốc của nó và nên để các giáo viên dạy nhạc truyền thụ và biểu diễn trực tiếp cho các em cảm nhận.

Ngoài sự nỗ lực giúp học sinh có tình yêu đối với cái đẹp của hát Xoan nói riêng và văn nghệ dân gian nói chung, ông còn hướng dẫn các em phương pháp sưu tầm các tác phẩm văn hóa dân gian từ các cụ cao tuổi trong làng. Tuy nhiên, điều trăn trở lớn nhất của ông hiện nay là vấn đề trang phục và đạo cụ trong hát Xoan. Ông cho biết, nhiều chương trình hát Xoan, nam trang phục trắng, nữ mặc áo năm thân và đều đi giày Trung Quốc, dùng khăn mỏ quạ... trông rất phản cảm(!)../.

Hương Thu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục