Núi Hòn Chà: Bao giờ mới hết bị "đá tặc xẻ thịt"?

Ở mỏ đá núi Hòn Chà, phường Trần Quang Diệu, Qui Nhơn, tỉnh Bình Định, hàng ngày, vẫn có hàng nghìn mét khối đá các loại bị “cướp đi.”
Thật đáng tiếc cho tài nguyên khoáng sản của các mỏ đá phía Đông núi Hòn Chà, phường Trần Quang Diệu, thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định.

Hàng ngày, giữa thanh thiên bạch nhật, nơi đây vẫn có nhiều người khai thác đá trái phép và họ đã “cướp đi” hàng nghìn mét khối đá các loại, không chỉ gây thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước, tạo bức xúc cho người dân địa phương.

Lộng hành khai thác đá núi Hòn Chà

Qua phản ánh của nhiều người dân địa phương và một số doanh nghiêp, phóng viên TTXVN đến khu vực phía Đông núi Hòn Chà, nằm sát khu vực phía Tây của khu công nghiệp Phú Tài, phường Trần Quang Diệu, nơi đang có nhiều doanh nghiệp chế biến đá xây dựng và xuất khẩu.

Đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng tan hoang của sườn núi phía Đông Hòn Chà. Vất vả lắm, chúng tôi mới leo lên nơi khu vực có nhiều người đang ngồi chẻ đá nhưng không ai dám xưng hô danh tính mà chỉ cho biết họ là người làm thuê cho Công ty đá Viễn Đông, có trụ sở và cở sản xuất gần đó (thuộc khu công nghiệp Phú Tài).

Dưới chân núi có hàng chục khối đá còn mới nguyên và mỗi khối ước khoảng vài ba mét khối. Còn nhìn lên một khối đá lớn nằm lưng chừng núi, có vài người đang khoan lỗ để cho một vụ nổ mìn mới. Cách đó vài trăm mét, người khai thác đá lậu dùng cả xe tải và xe cẩu hạng nặng để chở đá. Vết bánh xe chạy đã tạo ra những con đường ngoằn nghèo, lồi lõm từ dưới lên lưng chừng núi.

Đến đây, những khối đá to và đá chẻ được xếp ngổn ngang thành khối, chỉ chờ phương tiện lên chở. Điều ngạc nhiên có lẽ bị đánh động, nên đến khu vực này không thấy có ai, chỉ nhìn thấy lán che mưa nắng, dụng cụ xẻng, búa, xà beng, ve đá... vẫn còn để lại. Lần là hỏi người dân địa phương, họ đều nói đó là khu vực khai thác đá trái phép lâu nay của Doanh nghiệp Phú Minh Trọng (cũng là một doanh nghiệp chế biến đá và trụ sở nằm cách đó cũng không xa).

Không dừng lại đó, chúng tôi lại đi về phía khu vực nghĩa địa phường Bùi Thị Xuân (phía Nam khu công nghiệp Phú Tài). Phóng tầm mắt lên sườn núi phía Đông Hòn Chà có rất nhiều điểm khai thác mỏ đất đá còn mới nguyên. Có những điểm mỏ chỉ cách trục đường chính của khu công nghiệp Phú Tài vài trăm mét. Ở đây, người ngồi chẻ đá vẫn ung dung tự tại.

Đặc biệt, sát khu vực phía bắc nghĩa địa Bùi Thị Xuân, một bãi tập kết đá khối được vận chuyển từ khu mỏ khai thác cách đó vài trăm mét. Ngay vị trí khu vực tập kết đá gần đường và sát bãi tập kết đá có một biển cắm cảnh báo với dòng chữ rất to và rõ ràng: Cấm không được vào khai thác đá, thật phản cảm?

Sự bất lực của các nhà quản lý

Theo đánh giá của n gười dân địa phương, nạn khai thác đá trái phép ở phía đông núi Hòn Chà đã diễn ra trong vài năm nay, nhưng thời gian gần đây lại “nóng lên.” Chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh, thành phố và cả Ban quản ký Khu công nghiệp đều đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và xử lý không rốt ráo nên một số đơn vị tham gia khai thác đá trái phép vẫn đương nhiên tồn tại.

Cũng tại hiện trường, chúng tôi liên lạc điện thoại với ông Trần Kiến Thiết, Phó Trưởng phòng cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Bình Định, thông báo việc khai thác đá trái phép đang diễn ra ở đây. Ông này cho biết ngày nào đơn vị cũng cử cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để kiểm tra. Nhưng khi chúng tôi đến đây chẳng thấy có công an nào làm nhiệm vụ.

Chúng tôi lại liên lạc với ông Man Ngọc Lý, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, được biết việc khai thác đá trái phép phía Đông núi Hòn Chà là nằm ngoài khu vực quản lý của khu công nghiệp, không phải địa phận của Ban trực tiếp quản lý, mà trách nhiệm thuộc thẩm quyền của ngành chức năng tỉnh và thành phố Quy Nhơn.

Sự biện bạch của ông Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp là không có cơ sở khi các doanh nghiệp và cơ sở khai thác chế biến đá đều có trụ sở và nhà xưởng đóng tại khu công nghiệp (thuộc địa bàn Ban quản lý Khu công nghiệp Phú Tài đang quản lý). Chưa kể hàng đống đất đá, đá chẻ vụn, bột đá đã được các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Phú Tài chở lên đổ tràn lan từ dưới chân đến sườn núi gây ô nhiễm và phá vở cảnh quan môi trường tại đây.

Còn theo ông Lê Minh Luận, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, việc khai thác trái phép đá tại núi Hòn Chà đã diễn ra từ lâu và Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ là một trong đơn vị quản lý. Muốn tổ chức kiểm tra phải phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh, thành phố Quy Nhơn. Khi tổ chức đi kiểm tra, người khai thác đã biết trước và rút lui im ắng. Khi đoàn đi, mọi chuyện đâu lại vào đó.

Mỏ phải có chủ

Trên thực tế, ngày 14/8/2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã ra quyết định số 582/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban Nhân dân tỉnh đến năm 2015 và xét đến năm 2020. Trong đó khu vực phía Đông núi Hòn Chà có quy hoạch điểm mỏ để khai thác đá với số hiệu mỏ số 205.

Căn cứ vào qui hoạch này, Doanh nghiệp tư nhân Thiên Phú đã làm tờ trình số 06 ngày 30/6/2010 về việc xin khai thác tận thu đá tại khu vực giáp phía Tây-Bắc mặt bằng của Doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Phú Tài để mở rộng diện tích về phía Đông núi Hòn Chà với tổng diện tích 1,82ha vừa để tận thu đá làm nguyên liệu chế biến, tăng sản lượng và doanh thu nộp ngân sách cho Nhà nước; đồng thời tạo ra khuôn viên thuận lợi cho nhà máy hoạt động.

Sau khi nhận được Tờ trình của Doanh nghiệp Thiên Phú, Ủy ban Nhân dân phường Trần Quang Diệu đã có văn bản số 65 ngày 16/7/2010, do ông Đoàn Văn Vĩ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường ký, đề nghị các cấp có thẩm quyền cấp phép cho Doanh nghiệp Thiên Phú khai thác đá ở khu vực mỏ phía Đông Núi Hòn Chà.

Tiếp đến, ngày 10/9/2010, Ủy ban Nhân dân thành phố Quy Nhơn đã ra công văn số 1357/UBND-TN do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam ký với nội dung: địa điểm mỏ mà Doanh nghiệp Thiên Phú xin cấp phép 1,8ha, hiện có một số hộ dân khai thác trái phép và chưa giao cho tổ chức, cá nhân nào khai thác. Nếu Ủy ban Nhân dân tỉnh cho phép Doanh nghiệp Thiên Phú khai thác cần bảo đảm vệ sinh môi trường, tiêu thoát nước và chống sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống của các hộ sống gần đó.

Và đến ngày 11/11/2010, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định Trần Thái Nga đã có văn bản số 2162/STNMT-TNKS gửi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trong đó có nội dung: đề nghị Ban chỉ huy Quân sự tỉnh cho ý kiến về việc xin khai thác đá của Doanh nghiệp Thiên Phú tại khu vực trên để Sở tổng hợp trình Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định.

Trả lời vấn đề này, tại Công văn số 1303/BCH-TH ngày 11/11/2010 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường do Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định ký, Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định thống nhất khu vực thăm dò khai thác của Doanh nghiệp Thiên Phú có diện tích 1,82ha tại toạ độ VN2000.

Đã đến lúc các ngành chức năng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, cũng như những ý kiến đề xuất của các cấp ngành chức năng, cần sớm xem xét cấp phép cho khu mỏ này.

Khi mỏ có chủ, mới tránh được sự khai thác trái phép đá ở đây và tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước và góp phần lập lại kỷ cương phép nước tại khu vực mỏ phía Đông núi Hòn Chà./.

Viết Ý (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục