Nước Anh đang bị đẩy gần hơn tới một cuộc khủng hoảng

Việc các nghị sỹ Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit không chỉ đẩy đất nước tiến gần hơn tới khủng hoảng, mà còn "châm ngòi" cho cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có khả năng lật đổ chính phủ của Thủ tướng May.
Nước Anh đang bị đẩy gần hơn tới một cuộc khủng hoảng ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin abc.net/AP, nền chính trị Anh lâu nay được đánh giá là ổn định và nhạy cảm. Những hiện nay không còn như vậy nữa.

Đó là đánh giá của Marc Stears, giám đốc Phòng thí nghiệm chính sách Sydney thuộc Đại học Sydney, trong một bài viết đăng trên mạng tin abc.net.au.

Hàng trăm nghị sỹ Anh đã tham gia vào "một cuộc đánh cược" chính trị lớn nhất trong lịch sử nước này, và "tiền đặt cược" chưa bao giờ cao như vậy.

Chỉ hơn hai tháng nữa, Anh sẽ phải rời Liên minh châu Âu (EU), nhưng các chính trị gia từ tất cả các đảng phái - Đảng Bảo thủ, Công đảng, đảng Dân chủ tự do, những người theo chủ nghĩa dân tộc, những người ủng hộ liên minh - đều bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận mà Thủ tướng Theresa May phải nỗ lực đàm phán trong suốt hai năm qua.

Một số người bỏ phiếu chống chỉ bởi vì họ muốn Anh ra khỏi EU mà không cần một thỏa thuận nào. Những người khác bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận vì họ muốn cùng nhau ngăn chặn Brexit (việc Anh rời khỏi EU).

Theo ông Stears, trong số những lộn xộn sẽ xảy ra sau sự kiện này, có hai điều chắc chắn sẽ xảy ra. Thứ nhất, cả hai phía nói trên đều sẽ không đạt được mục đích của họ.

[Thủ tướng Anh khẳng định trì hoãn Brexit sẽ không giúp được gì]

Trong thời gian một vài tuần tới, một số những chính trị gia - những người đang vui mừng vì kết quả bỏ phiếu vừa qua - sẽ phải rất thất vọng.

Thứ hai, bằng cách bác bỏ thỏa thuận Brexit duy nhất hiện nay, họ đã khiến một hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Thời gian để đạt được bất kể sự thỏa hiệp hợp lý nào không còn nhiều. So với 24 giờ trước, hiện Anh chắc chắn hoặc sẽ bị ra khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào, hoặc buộc phải từ bỏ Brexit thông qua một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai. Không ai thấy trước kết cục này khi bắt đầu các cuộc đàm phán về Brexit.

Trong chiến dịch trưng cầu dân ý năm 2016, tất cả các bên đều cho rằng nếu Anh bỏ phiếu ủng hộ việc ra khỏi EU, nước này cuối cùng sẽ xây dựng một mối quan hệ lâu dài theo cách nào đó với EU. Một số người ủng hộ Anh rời khỏi EU thậm chí còn hứa hẹn rằng việc đạt một thỏa thuận với châu Âu về Brexit sẽ là cuộc đàm phán quốc tế dễ dàng nhất trong lịch sử.

Nhưng hóa ra không phải vậy. Một phần là bởi thực tế đơn giản rằng sẽ vô cùng khó khăn để một nước tách ra khỏi một mối quan hệ chính trị, kinh tế và pháp lý phức tạp được xây dựng qua nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, một lý do khác là các chính trị gia Anh đã hoàn toàn đánh mất danh tiếng lâu nay của họ về tính thực tế và thỏa hiệp.

Tranh cãi về Brexit đã gây ra sự phân cực ở mức độ chưa từng có. Các nghị sỹ Anh ngày càng bị chia rẽ, còn quan điểm của những nhân vật hàng đầu ngày càng trở nên cực đoan hơn.

Ông Stears đưa ra ví dụ về trường hợp của ông Boris Johnson. Ông Johnson từng là một người có quan điểm ôn hòa nổi tiếng của đảng Bảo thủ.

Ông đã viết một bài báo nổi tiếng đăng trên Telegraph khi bắt đầu chiến dịch trưng cầu dân ý về Brexit, trong đó một phần lập luận ủng hộ Brexit, và phần còn lại là lập luận chống lại Brexit.

Tuy nhiên, hiện nay, ông bị cáo buộc là nguyên nhân khiến Brexit ngày càng trở nên khó khăn hơn, khi không sẵn sàng thỏa hiệp, đặc biệt là trong vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Hiện tại, nhiều người bắt đầu cảm thấy một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra tại Anh và cảm nhận này đang lớn lên từng ngày. Tất cả mọi người đều biết điều mà các chính trị gia bỏ phiếu bác bỏ là thỏa thuận của bà May về Brexit hay thứ gì đó tương tự như vậy.

Tuy nhiên không ai biết tại sao Hạ viện Anh lại tập hợp được sự đồng thuận lớn như vậy để bác bỏ thỏa thuận này.

Bằng việc bác bỏ thỏa thuận duy nhất mà chính phủ Anh và 27 nước thành viên EU đã nhất trí, các chính trị gia Anh đã quá liều lĩnh và mạo hiểm, đồng thời kéo theo cả nước Anh.

Việc các nghị sỹ Anh bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit không chỉ đẩy đất nước tiến gần hơn tới khủng hoảng, mà còn "châm ngòi" cho một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có khả năng lật đổ chính phủ của bà May.

Việc thỏa thuận sẽ bị bác bỏ nằm trong dự đoán của nhiều người, tuy nhiên tỷ lệ phiếu chống lên đến 432 phiếu và chỉ có 202 phiếu thuận tại Hạ viện đã cho thấy vai trò lãnh đạo "mong manh" của bà May đang có nguy cơ sụp đổ.

Trong suốt 2 năm qua, bà May đã đặt cược danh tiếng chính trị của bà vào một thỏa thuận Brexit, và cuộc bỏ phiếu vừa qua là thất bại lớn nhất của chính phủ Anh tại Hạ viện trong lịch sử hiện đại.

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện được công bố, Chủ tịch Hạ viện John Bercow đã tuyên bố rằng "những người bỏ phiếu chống đã thắng" để kết thúc cuộc họp của Hạ viện.

Thủ tướng May nói rằng cuộc bỏ phiếu chỉ để thử nghiệm liệu chính phủ có còn được các nghị sỹ ủng hộ hay không để tiếp tục công việc của mình.

Lãnh đạo phe đối lập Jeremy Corbyn đã nhanh chóng chớp thời cơ, nói rằng chính phủ của bà May đã đánh mất sự tín nhiệm của Nghị viện.

Các nghị sỹ sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm theo lời kêu gọi của ông Corbyn. Nếu thất bại, chính phủ sẽ chỉ có 14 ngày để lật ngược kết quả nếu không sẽ phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử.

Mặc dù bà May không có được đa số ở Quốc hội, song có vẻ như bà chắc chắn sẽ vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, trừ khi các nghị sỹ trong đảng Bảo thủ của bà muốn chống đối.

Đảng hợp nhất dân chủ của Bắc Ireland tuyên bố sẽ ủng hộ bà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục