Nước Anh gian nan chặng đường vượt 'ngọn núi cao Brexit'

Những tràng đấu khẩu gay gắt giữa ông Boris Johnson và ông Donald Tusk đã cho thấy sẽ còn một ngọn núi cao mà họ phải vượt qua nếu muốn điều hòa các quan điểm của đôi bên chỉ trong vòng hai tháng tới.
Nước Anh gian nan chặng đường vượt 'ngọn núi cao Brexit' ảnh 1Quang cảnh bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London. (Nguồn: THX/TTXVN)

AFP/Reuters đưa tin tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 hôm 24/8, trong các cuộc tranh cãi về tác nhân phải chịu trách nhiệm nếu nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận nào, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã cáo buộc lẫn nhau là “Ngài Không thỏa thuận” (Mr No Deal).

Ngọn núi cao Brexit

Theo hãng tin AFP, ông Johnson đã tổ chức các cuộc đối thoại song phương với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay trước thềm Hội nghị G7, trong đó ông thận trọng bày tỏ sự lạc quan rằng sẽ có một thỏa thuận được nhất trí trước khi Anh rời EU vào ngày 31/10.

Tuy nhiên, những tràng đấu khẩu gay gắt giữa ông và ông Donald Tusk tại hội nghị thượng đỉnh, vốn diễn ra ngay trước khi hai người này tiến hành đối thoại song phương chỉ một ngày, đã cho thấy sẽ còn một ngọn núi cao mà họ phải vượt qua nếu muốn điều hòa các quan điểm của đôi bên chỉ trong vòng hai tháng tới.

[Anh: Thỏa thuận về Brexit hoàn toàn phụ thuộc vào EU]

Ông Johnson cho biết mặc dù ông muốn có một thỏa thuận, song Anh cũng đã sẵn sàng để rời khỏi EU mà không cần thỏa thuận nào, và đây là một quan điểm khiến ông Tusk nổi điên, bởi ông từng nói sẽ có “một nơi đặc biệt ở địa ngục” dành cho những ai muốn xúc tiến một Brexit mà không có một kế hoạch nào.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu nói với báo giới ở Biarritz, Pháp: “Có một điều mà tôi sẽ không hợp tác là một Brexit ‘không thỏa thuận,’ và tôi vẫn hy vọng rằng Thủ tướng Johnson sẽ không bị đi vào lịch sử với cái tên ‘Ngài Không thỏa thuận’."

Đáp trả những bình luận của ông Tusk, Thủ tướng Anh cho biết nếu một Brexit không thỏa thuận có xảy ra thì đó cũng không phải lỗi của ông.

Hãng AFP dẫn lời ông Johnson khẳng định việc có tránh được cái gọi là chốt chặn Ireland hay không hoàn toàn phụ thuộc vào EU.

Ông nói: “Tôi không một có một ‘Brexit không thỏa thuận.’ Tôi đã nói với những người bạn của chúng ta ở EU rằng nếu họ không muốn như vậy thì chúng ta phải loại bỏ vấn đề chốt chặn này khỏi hiệp ước."

Ông còn chỉ đích danh chủ tịch EC khi nói: “Nếu Donald Tusk không muốn bị gọi là ‘Ngài Không Thỏa thuận Brexit” thì ông cũng cần cân nhắc kỹ điều này."

Nhấn mạnh lời chế giễu nổi tiếng của ông Tusk về “một nơi đặc biệt dưới địa ngục” mà nhiều nhà quan sát cho là nhắm trực tiếp vào Johnson, Thủ tướng Anh cho biết ông không muốn bàn về kiếp sau với vị đồng nghiệp người Ba Lan.

Ông nói: “Tôi có các mối quan hệ tốt đẹp với những người bạn và đối tác của chúng ta trong EU và muốn tiếp tục cải thiện các mối quan hệ đó về lâu dài chứ không muốn rơi vào bất kỳ ‘thuyết mạt thế hậu Brexit’ nào (từ gốc Hy Lạp, chỉ một môn thần học nghiên cứu về thế giới hậu vận) với chủ tịch của EC."

Trong khi đó, hãng Reuters dẫn nguồn báo The Mail cho biết ông Johnson đang có ý định đe dọa các lãnh đạo EU bằng việc ông sẽ rút lại 30 tỷ bảng (tương đương 37 tỷ USD) từ hóa đơn ly hôn Brexit, trừ khi họ chấp nhận thay đổi thỏa thuận cũ.

Báo trên cho biết nếu Anh rời khỏi khối mà không có một thỏa thuận thương mại, các luật sư đã kết luận rằng chính phủ Anh sẽ chỉ phải trả cho EU 9 tỷ bảng, chứ không phải 39 tỷ Bảng. Lý do là bởi sẽ không có bất cứ khoản chi trả nào liên quan đến bất ký quá trình chuyển tiếp nào.

Hiện, văn phòng của ông Johnson vẫn chưa đưa ra bình luận nào về điều này.

“Trách nhiệm lịch sử”

Về phần mình, Chủ tịch EC nhấn mạnh EU vẫn “sẵn sàng lắng nghe những ý tưởng khả thi, thực tế và có thể chấp nhận được với tất cả các nước thành viên, trong đó có Ireland."

Ông Johnson đã gọi điều khoản chốt chặn là “phi dân chủ” bởi nó đòi hỏi London phải duy trì các quy định của mình thống nhất với các quy định của EU trong giai đoạn chuyển tiếp khi đất nước không còn là một thành viên của khối.

Nước Anh gian nan chặng đường vượt 'ngọn núi cao Brexit' ảnh 2Thủ tướng Anh Boris Johnson trong chuyến thăm Pháp ngày 22/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các quan chức EU biện luận rằng chốt chặn này là cần thiết để tránh khỏi sự khôi phục của một đường biên giới có thể kéo theo sự quay trở lại của cuộc chiến bè phái về hòn đảo này.

Ông Johnson đã đặt cược vị trí lãnh đạo của mình vào một sự chia ly “sống còn” với EU vào thời hạn 31/10 tới.

Ông đã hứa hẹn tìm ra những giải pháp thay thế cho vấn đề Irealand mà không cần một chốt chặn, mặc dù các lãnh đạo EU vẫn chưa bị thuyết phục.

Ông Johnson nói: “Có hàng loạt phương án sắp xếp khác để thay thế. Và chúng ta sẽ thảo luận về các phương án này trong những tuần tới đây."

Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao trong chính phủ Anh, sau các cuộc gặp hồi tuần trước, hiện chưa có cuộc gặp song phương nào giữa ông Johnson và bà Merkel hay ông Macron được lên kế hoạch tại G7.

Ông Johnson cũng đã kêu gọi quốc hội Anh - vốn nhiều lần bác bỏ thỏa thuận Brexit mà người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Theresa May đã đàm phán được - “hoàn tất Brexit” để đưa Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10.

Ông nói: “Tôi tự tin họ sẽ hiểu được rằng trách nhiệm lịch sử của họ là tôn trọng ý nguyện của người dân, một trách nhiệm dân chủ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục