Nước biển đổi màu: Doanh nghiệp nói đổ chất thải "đúng quy trình"

Nhiều chuyên gia lo ngại về vụ đổ chất thải xuống biển Nghệ An

Trước thông tin nước biển tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, những ngày gần đây có biểu hiện đổi màu, chất thải lạ màu đen liên tục dạt vào bờ, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự lo lắng.
Nhiều chuyên gia lo ngại về vụ đổ chất thải xuống biển Nghệ An ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trước thông tin nước biển tại xã Quỳnh Lập (Hoàng Mai, Nghệ An) những ngày gần đây có biểu hiện đổi màu, chất thải lạ màu đen liên tục dạt vào bờ, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự lo lắng về việc nguồn thải có thể gây hại tới môi trường, ảnh hưởng tới mỹ quan du lịch.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus ngày 13/5, phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, chất thải đổ xuống biển có nhiều loại, nhưng khi nước đổi màu, chất thải trôi vào bờ với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan, nhu cầu tắm biển.

“Trong việc đổ bùn thải tại vùng biển giáp ranh Thanh Hóa và Nghệ An, doanh nghiệp bảo họ đổ đúng quy trình, nhưng bây giờ phải tìm hiểu toàn diện mới kết luận được. Chứ nói quy trình thì khúc nào cũng... đúng cả.”

“Ví dụ, một lò gạch không gây ô nhiễm, hai lò gạch không gây ô nhiễm, nhưng để 10 cái lò gạch trong cùng một khu phát thải lại gây ô nhiễm. Lúc này thì chả ai chịu trách nhiệm, trong khi các doanh nghiệp đều nói tôi được cấp trên cấp phép, phê duyệt,” ông Hồi chia sẻ.

Có chung quan điểm, giáo sư Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và công nghệ môi trường - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh, đổ chất thải xuống biển là vấn đề “rất phức tạp và nhạy cảm.”

“Theo tôi được biết thì phía doanh nghiệp bảo được phép nạo vét và có kế hoạch đã được phê duyệt, gọi là đúng về mặt pháp lý. Nhưng để khách quan thì cần phải lấy mẫu để đánh giá cho thỏa đáng,” ông Nhuệ lưu ý.


[Việt Nam đang đối mặt với 4 thách thức lớn về môi trường]

Trước đó, theo báo chí đã phản ánh, gần đây, người dân ở vùng biển Nghệ An phát hiện 3 tàu công suất lớn đổ chất thải bùn xuống vùng biển giáp ranh Thanh Hóa và Nghệ An. Các tàu chở bùn thải này được xác định là xuất phát từ khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, nước biển có biểu hiện đổi màu. Nhiều chất thải màu đen từ ngoài biển liên tục dạt vào bờ biển các xóm Đồng Minh, Tân Minh và Đồng Thanh khiến người dân lo lắng.

Tiếp nhận thông tin trên, ngày 9/5, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Tài nguyên-Môi trường, Ủy ban Nhân dân thị xã Hoàng Mai, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã kiểm tra hiện trường, thu thập thông tin, lấy mẫu kiểm tra.

Kết quả phân tích cho thấy, chất lượng môi trường biển khu vực bãi biển Quỳnh Phương có diễn biễn xấu. Mẫu nước biển tại bãi biển Quỳnh Phương ngày 24/4 (trước khi tàu đổ thải) thì 13/13 thông số đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước biển ven bờ đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.

Thế nhưng, kết quả phân tích môi trường ngày 2/5 (sau khi có tàu đổ thải tại khu vực bãi biển Quỳnh Phương) có thông số chất thải rắn lơ lửng vượt 2,78 lần. Như vậy, việc đổ thải đã có tác động nhất định đến hệ sinh thái biển, ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi, nuôi trồng thủy sản.

Vì thế, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa dừng ngay việc đổ thải tại vùng biển giáp ranh giữa hai tỉnh. Về phía tỉnh Nghệ An, các cơ quan chức năng thị xã Hoàng Mai, đồn Biên phòng Quỳnh Phương theo dõi, tuần tra tình hình hoạt động trên biển khu vực này.

Trong khi đó, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho biết, đây là dự án nạo vét của công ty cổ phần gang thép Nghi Sơn. Đơn vị thi công đã báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Sau khi sự việc xảy ra ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn cũng đã yêu cầu công ty báo cáo toàn bộ phần nạo vét luồng tàu đã được phê duyệt.

Về phía doanh nghiệp, Công ty cổ phần gang thép Nghi Sơn cho rằng họ đổ thải đúng vị trí, đúng chất liệu và quy trình. Đồng thời khẳng định đây không phải là chất thải độc hại mà là cát, sét xám và một ít bùn là vật liệu nạo vét. Tổng khối lượng nạo vét công trình là hơn 2 triệu khối, đã thực hiện nạo vét được hơn 1 triệu khối và đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục