Nước cờ sai của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas?

Quyết định hủy mọi thỏa thuận mà Palestine đã ký trước đó với Israel và Mỹ nhằm phản đối kế hoạch Israel sáp nhập khu Bờ Tây chiếm đóng của Tổng thống Abbas có vẻ không mang lại hiệu ứng như mong đợi.
Nước cờ sai của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas? ảnh 1Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu tại một cuộc họp ở thành phố Ramallah, Khu Bờ Tây. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài phân tích mới đây trên mạng tin Arab News, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas dường như rất nghiêm túc với quyết định hủy mọi thỏa thuận mà Palestine đã ký trước đó với Israel và Mỹ, động thái nhằm phản đối kế hoạch sáp nhập của Israel đối với các vùng lãnh thổ trong khu Bờ Tây chiếm đóng.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của giới quan sát khu vực, quyết định này có vẻ không mang lại những hiệu ứng cần thiết mà ông Abbas đang mong đợi.

Phát biểu tại một cuộc họp khẩn được tổ chức tại thành phố Ramallah hồi tuần trước, Tổng thống Abbas tuyên bố: “Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và nhà nước Palestine sẽ không còn ràng buộc với tất cả các thỏa thuận được ký kết chính quyền Mỹ và Israel, trong đó có cả hoạt động phối hợp an ninh."

Không có gì ngạc nhiên khi không có cuộc tuần hành lớn nào được ghi nhận tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng để ủng hộ quyết định của Tổng thống Abbas. Sự thật là ông Abbas từ lâu đã không còn quan trọng đối với người Palestine.

Tuy nhiên, với Israel, ông vẫn được coi là nhân vật cần thiết, khi chính quyền Palestine (PA) đóng vai trò là “bộ đệm an ninh” bổ sung giữa người Palestine bị chiếm đóng và lực lượng chiếm đóng. Nhờ sự “phối hợp an ninh” giữa hai bên, người Israel lâu nay có thể theo đuổi các kế hoạch củng cố sự chiếm đóng của mình trong hòa bình.

Trong khi đó, người dân Palestine từ lâu đã mất niềm tin vào Abbas. Điều đó đã được chứng minh trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây. Đây không phải là một sự biến chuyển đột ngột, mà là sự tích tụ sau nhiều thập kỷ thất bại và thất vọng. Những cam kết của Abbas đối với Hiệp định Oslo hoàn toàn không đem lại điều gì, ngoại trừ tạo ra một bộ máy an ninh khổng lồ và tham nhũng, tồn tại dưới vỏ bọc “điều phối” giữa Palestine và chính quyền Israel.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2005, Tổng thống Abbas và những người trung thành trong đảng Fatah đã bị ám ảnh không phải với Israel và Mỹ, mà hơn hết là với các đối thủ chính trị khác trong chính Fatah như Mohammed Dahlan, và ở một mức độ lớn hơn là với phong trào Hamas ở Gaza.

Israel được nhắc tới trong nhiều bài phát biểu của ông Abbas tại Ramallah và tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), song bất chấp mọi lời hoa mỹ, ông hầu như không có hành động đáng kể nào sau đó.

Cùng lúc, binh lính Israel và những người định cư Do Thái bất hợp pháp vẫn không bị cản trở khi họ tiếp tục các động thái gây sức ép một cách có hệ thống với người Palestine. Chưa một lần lực lượng an ninh của Abbas tìm cách ngăn chặn Israel phá hủy một ngôi nhà của người Palestine hoặc nhổ một khu rừng ôliu cổ ở Bờ Tây. Họ cũng không ngăn chặn việc Israel bắt giữ các nhà hoạt động chống lại việc chiếm đóng.

Ngay cả khi Israel có những hành động gây hấn tại Dải Gaza, Tổng thống Abbas vẫn chĩa “mũi dùi” vào những đối thủ Palestine của mình. Ông chỉ trích phong trào kháng chiến vũ trang tại Gaza, nhưng không đưa ra giải pháp thay thế có ý nghĩa.

Nếu Tổng thống Abbas tìm cách cùng tồn tại trước những sức ép này này trong một thời gian dài, vậy vì sao ông lại quyết định hủy các thỏa thuận với Israel tại thời điểm này? Để trả lời câu hỏi đó, trước tiên cần phân tích bối cảnh chính trị theo sau quyết định của ông.

[Palestine phản đối kế hoạch của Israel sáp nhập các khu vực ở Bờ Tây]

Tháng 2/2015, Tổng thống Abbas từng đe dọa cắt đứt quan hệ an ninh với Israel nhằm đáp trả việc chính quyền Tel Aviv quyết định giữ lại hàng triệu USD tiền thuế thu hộ của Palestine.

Những động thái đe dọa tương tự đã được đưa ra vào tháng 7/2017 để đáp trả các chính sách bất hợp pháp của Israel xung quanh khu vực thánh địa Hồi giáo ở Jerusalem; vào tháng 9/2018, khi Mỹ đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel; và một lần nữa vào tháng 7/2019, khi Israel phá hủy nhà của người dân Palestine ở Đông Jerusalem.

Lần gần đây nhất, Tổng thống Abbas “dọa” giải thể PA, nhằm đáp lại việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố cái gọi là “kế hoạch hòa bình Trung Đông." Đây chỉ là những lời đe dọa đáng chú ý nhất được các phương tiện truyền thông đăng tải. Còn trên thực tế, ông Abbas đã tiến hành cuộc chiến của mình với Israel dưới hình thức những lời đe dọa mà đến nay chính quyền Tel Aviv tỏ ra phớt lờ.

Nước cờ sai của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas? ảnh 2Khu định cư Maale Adumim của Israel ở Bờ Tây. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sự khác biệt trong lần đe dọa này là ông Abbas chưa bao giờ nếm trải sự tổn thương chính trị như hiện nay. Bị người Mỹ bỏ rơi và bị chính quyền Israel coi thường, uy tín của Tổng thống Abbas đã ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Quan trọng hơn, người dân Palestine từ lâu đã từ bỏ mọi ảo tưởng rằng con đường giải phóng sẽ đi qua văn phòng của ông Abbas ở Ramallah.

Bị choáng ngợp trước những tổn thương chính trị đó, ông Abbas quyết định tiến hành những gì được coi là hành động chính trị cuối cùng của mình. Điều gì xảy ra tiếp theo không còn mang nhiều ý nghĩa, bởi trong giai đoạn này, nhà lãnh đạo Palestine 84 tuổi đã không còn gì để mất.

Hủy các cam kết trong Hiệp định Oslo thực tế không đem lại lợi thế cho Palestine, khi Israel và Mỹ dường như đã không còn tuân thủ hiệp định này từ lâu. Jerusalem, giống như quyền của người Palestine, là thứ cần phải được giải quyết, chứ không thể đưa ra khỏi bàn đàm phán. Nếu không có sự đồng thuận giữa các bên, người Palestine sẽ không chấp nhận hoán đổi lãnh thổ, chứ chưa nói tới động thái sáp nhập khu Bờ Tây chiếm đóng.

Cho đến nay, phía Israel chỉ còn duy trì một vài điều khoản trong Hiệp định Oslo, trong đó có sự phối hợp an ninh và đảm bảo ngân sách từ các nhà tài trợ để giúp PA duy trì hoạt động.

Bằng cách hủy bỏ tất cả các thỏa thuận với Israel và Mỹ, Abbas và những người ủng hộ ông hy vọng sẽ gióng hồi chuông cảnh báo với Washington và Tel Aviv, đặc biệt là khi việc ngừng phối hợp an ninh có thể đe dọa tới sự an toàn của người định cư Do Thái.

Nếu Tổng thống Abbas nghiêm túc với quyết định của mình, ông sẽ đưa ra một chương trình nghị sự chính trị rõ ràng cho Palestine, trên cơ sở hướng tới sự đoàn kết và thống nhất. Tuy nhiên, chiến lược thực sự của Palestine chưa bao giờ là mục tiêu cuối cùng của nhà lãnh đạo PA.

Những gì ông Abbas đang hy vọng đạt được với “nước cờ” này là thiết lập một cuộc chơi chính trị mới nhằm tranh thủ sự ủng hộ của phương Tây hoặc tìm kiếm lại sự hậu thuẫn của người dân Palestine./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục