Nước giàu sẽ chia vắcxin H1N1 cho nước nghèo

Nước giàu chia sẻ vắcxin H1N1 cho nước nghèo

Các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Thụy Sĩ, sẽ chia sẻ một phần lượng vắcxin phòng cúm A/H1N1 đã đặt hàng cho các nước nghèo.
Hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ vắcxin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 18/9, chính phủ của 9 nước giàu gồm Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Brazil, Italy, New Zealand, Na Uy và Thụy Sĩ đã nhất trí chia sẻ một phần lượng vắcxin phòng cúm A/H1N1 mà những nước này đặt hàng cho các nước nghèo.

Thông báo trên được người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs công bố ngày 17/9.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng, Chính phủ Mỹ đã nhận thức được rằng "bệnh tật không có biên giới" và sẵn sàng chia sẻ 10% tổng số vắcxin phòng cúm A/H1N1 của mình với các nước khác.

Ông Gibbs cho biết số vắcxin trên sẽ được phân bổ thông qua WHO nhằm trợ giúp các nước không có khả năng tiếp cận với loại vắcxin này. Mỹ đã đặt mua 195 triệu liều vắcxin của 5 hãng dược phẩm.

Cùng với Mỹ, một nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết Paris cũng sẽ chia sẻ với các nước nghèo 9 triệu liều vắcxin phòng cúm A/H1N1 (chiếm khoảng 10% trong tổng số 94 triệu liều vắcxin mà Pháp đặt hàng) thông qua WHO.

Pháp khẳng định cộng đồng quốc tế sẽ chung sức và đoàn kết với nhau nhằm giảm bớt những ảnh hưởng của đại dịch cúm A/H1N1 đối với các lĩnh vực y tế, kinh tế và xã hội.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng phát triển quốc tế Anh, ông Douglas Alexander, Chính phủ Anh đã thừa nhận rằng cúm A/H1N1 là một đại dịch toàn cầu, đòi hỏi phải có phản ứng toàn cầu, vì vậy, việc hỗ trợ các nước nghèo, nơi dễ bị dịch cúm tấn công nhất và ít có khả năng đối phó nhất, là điều hết sức quan trọng. Anh cũng sẽ chia sẻ 10% lượng vắcxin mà nước này có được cho các nước nghèo trên thế giới.

Trước đó, hai hãng sản xuất vắcxin GlaxoSmithKline và Sanofi-Pasteur đã quyên tặng 120 triệu liều vắcxin cho WHO. Các chuyên gia dự đoán khoảng 80% trong tổng số gần 7 tỉ người đang sinh sống tại các nước đang phát triển có nhu cầu sử dụng vắcxin.

Về tình hình đại dịch cúm A/H1N1 trên thế giới, trong tuần qua, Anh đã phát hiện thêm khoảng 5.000 trường hợp mới. Các bệnh nhân chủ yếu là trẻ em trong độ tuổi đi học. Cơ quan y tế nước này cũng thông báo 6 trường học nằm rải rác trên khắp nước Anh đang có nguy cơ trở thành ổ dịch mới.

Tin tức về đại dịch cúm A/H1N1 được đưa ra chỉ một tuần sau khi Trưởng ban cố vấn y tế của Chính phủ Anh, ông Liam Donaldson, cho rằng nước này sắp đẩy lui dịch cúm A/H1N1 nhờ chủ động chuẩn bị vắcxin phòng cúm cho người dân.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận đã xuất hiện một số bệnh nhân có biểu hiện kháng thuốc đối với Tamiflu - loại vắcxin chống virus cúm A/H1N1 phổ biến hiện nay.

Trong khi đó, Bộ Y tế Ai Cập đã yêu cầu các trường phổ thông và đại học quốc tế tại nước này đóng cửa cho đến ngày 3/10 vì lo ngại dịch cúm A/H1N1 bùng phát. Trước đó, cũng theo yêu cầu của Bộ, tất cả trường học của nước này đều đã hoãn khai giảng tới thời điểm trên.

Theo WHO, đóng cửa các trường học có thể là biện pháp hữu hiệu nhất chống lại sự lây lan của virus cúm khi dịch mới bùng phát. Mặt khác, biện pháp này cũng giúp giảm 50% áp lực đối với ngành y tế trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch.

Xuất hiện lần đầu hồi tháng 4, cúm A/H1N1 đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục