Nước Mỹ đã sẵn sàng thay đổi?

Sự lựa chọn của cử tri Mỹ đối với vị tổng thống thứ 44 đã viết lên một trang sử hoàn toàn mới cho đất nước hợp chúng quốc này bởi lần đầu tiên trong lịch sử 232 năm của nước Mỹ, một người da màu đã được bầu làm tổng thống.

Sự lựa chọn của cử tri Mỹ đối với vị tổng thống thứ 44 đã viết lên một trang sử hoàn toàn mới cho đất nước hợp chúng quốc này bởi lần đầu tiên trong lịch sử 232 năm của nước Mỹ, một người da màu đã được bầu làm tổng thống.

Ở tuổi 47, ông Barack Obama trở thành một trong những chủ nhân trẻ tuổi nhất của Nhà Trắng và ông cũng được kỳ vọng mang lại sự tươi mới cho nước Mỹ như những gì ông đã tích cực tuyên truyền trong suốt chiến dịch vận động ròng rã gần một năm qua với khẩu hiệu "Chúng ta có thể tin vào sự thay đổi".

Về chính sách đối nội, Tổng thống  Obama lên nắm quyền trong bối cảnh nước Mỹ đang đứng trước vấn đề cấp thiết là giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính vốn đang đẩy nước Mỹ tới bờ vực suy thoái. Bởi thế, ưu tiên số một của ông trong vòng 100 ngày đầu cầm quyền sẽ là thực hiện kế hoạch giải cứu kinh tế Mỹ như ông đã khẳng định trong cương lĩnh tranh cử của mình.

Kế hoạch này bao gồm nhiều vấn đề như mở rộng diện được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạm đình chỉ việc tịch thu nhà thế nợ trong 90 ngày đối với những người đang sống trong chính ngôi nhà của họ và đang cố gắng thanh toán các khoản vay nợ thế chấp, giảm thuế cho các công ty để tạo ra việc làm mới và đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ, cho phép người dân rút tiền khỏi quỹ tiết kiệm hưu trí đến cuối năm 2009 mà không bị phạt 10%, với mức rút tối đa là 10.000 USD. Kế hoạch của ông cũng ủng hộ các chính quyền bang, tăng đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất ô tô.

Sau kinh tế, ông  Obama cũng đặt ưu tiên vào một số vấn đề khác như cải cách luật nhập cư, hoàn thiện bộ quy tắc xử thế, tăng diện được bảo hiểm và chăm sóc y tế, xử lý vấn đề nhà tù giam giữ nghi can khủng bố tại căn cứ hải quân Mỹ trên Vịnh Guantanamo của Cuba, xem xét để chuẩn hóa kỹ năng thẩm vấn, chủ trì hội nghị cấp cao về chính sách nông thôn.

Trong các diễn văn tranh cử mình, ông  Obama đặc biệt chú trọng tới vấn đề bảo vệ môi trường, vốn bị coi là thứ yếu trong chính quyền tiền nhiệm. Vì thế, môi trường chắc chắn sẽ là một trong những hướng ưu tiên hàng đầu của ông trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng. Ông  Obama chủ trương hạn chế lượng khí thải điô-xít cácbon với mục tiêu cụ thể là tới năm 2050 giảm 80% khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông cũng có kế hoạch trong vòng 10 năm tới chi 150 tỷ USD cho nghiên cứu năng lượng sạch, khuyến khích người dân sử dụng các xe hơi tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

Trong vấn đề đối ngoại, tân Tổng thống  Obama sẽ đứng trước thách thức phải thực hiện lời hứa "rút toàn bộ quân chiến đấu khỏi Iraq trong vòng 16 tháng sau khi nhận nhiệm sở" mà ông đã đưa ra trong cương lĩnh tranh cử. Là người phản đối cuộc chiến này ngay từ đầu, ông  Obama luôn thể hiện quan điểm muốn kết thúc cuộc chiến tranh không được lòng dân này. Tuy nhiên, như ông đã từng phát biểu tại Washington ngày 15/7 rằng Mỹ "sẽ phải cẩn trọng trong việc rút quân khỏi Iraq vì chúng ta đã không cẩn trọng khi đưa quân vào", thời gian biểu rút quân của ông sẽ có sự tham khảo ý kiến tích cực từ các chỉ huy chiến trường.

Quan hệ của Mỹ với Iran, nước bị người tiền nhiệm là Tổng thống George W. Bush liệt vào "trục ma quỷ" có thể sẽ có cách tiếp cận mới dưới thời Tổng thống  Obama bởi ông đã có lần tuyên bố "sẵn sàng đàm phán trực tiếp và vô điều kiện với Tổng thống đương nhiệm Iran". Tuy nhiên, theo quan điểm được ông  Obama nhắc đến sau đó, các cuộc đàm phán phải được tiến hành trên tinh thần "phù hợp với các quyền lợi của Mỹ".

Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống  Obama tiếp tục coi trùm khủng bố Bin Laden là đối tượng truy nã số một, bởi trong vấn đề Afghanistan và Pakistan, ông  Obama chủ trương gửi thêm quân sang Afghanistan để tăng cường cuộc chiến chống khủng bố và ông từng cảnh báo Pakistan là "sẵn sàng ra lệnh tấn công vào các mục tiêu ở nước này, nếu có tin chính xác rằng thủ lĩnh al-Qaeda Bin Laden đang lẩn trốn tại đó".

Trả lời phỏng vấn AFP gần đây, ông Frank Jannuzi, một cố vấn về châu Á của ông  Obama nói rằng nếu thắng cử, chính quyền  Obama có thể ký Hiệp ước hợp tác và hữu nghị với ASEAN (TAC) và tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Chính quyền  Obama muốn quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ với các đồng minh hiện nay ở châu Á cần phải được mở rộng sang các nước khác thuộc ASEAN.

Trong quan hệ với Trung Quốc, các nhà phân tích chính trị Trung Quốc, được báo mạng channelnewsasia.com trích dẫn cho rằng dường như sẽ không thay đổi dưới thời tân tổng thống Mỹ. Ông Mei Renyi, giám đốc phụ trách các vấn đề Mỹ thuộc Đại học Nghiên cứu đối ngoại Bắc Kinh, nhận định rằng với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, Washington sẽ không "chọc giận" Bắc Kinh để tạo ra những căng thẳng trong quan hệ song phương.

Quan hệ Mỹ với châu Phi có thể sẽ có nhiều diễn biến tích cực, một phần là vì Mỹ không muốn chậm chân hơn các nước khác trong việc "bắt tay" với châu Phi để đầu tư khai thác nguồn tài nguyên dồi dào ở châu lục còn nghèo khó này, một phần vì các nhà lãnh đạo châu Phi có thể tìm thấy ở tân Tổng thống Mỹ sự "đồng cảm" nhiều hơn bởi xuất thân da màu của ông.

Trước mắt, Tổng thống  Obama sẽ có 4 năm để thực hiện tham vọng thay đổi nước Mỹ. Với việc trở thành Tổng thống Mỹ, ông  Obama đã hiện thực hóa giấc mơ vĩ đại nhất của cộng đồng người da màu ở Mỹ. Còn nước Mỹ sẽ thay đổi ra sao dưới "triều đại" của ông thì thời gian mới có thể trả lời./.

Đỗ Sinh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục