Nước Pháp chuẩn bị đối mặt với hàng loạt vụ biểu tình lớn

Khoảng 144 cuộc biểu tình và diễu hành dự kiến diễn ra trên cả nước trong ngày 9/3 theo lời kêu gọi của các tổ chức thanh niên và công đoàn.
Nước Pháp chuẩn bị đối mặt với hàng loạt vụ biểu tình lớn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 9/3, cả nước Pháp chuẩn bị đối mặt với hàng loạt vụ biểu tình nhằm phản đối các biện pháp cải cách lao động mới nhất của chính phủ. Những biện pháp này đã gây ra nhiều mâu thuẫn ngay trong nội bộ chính phủ và gia tăng căng thẳng tại quốc gia vốn đã quen với chế độ an sinh việc làm ở mức cao.

Theo công đoàn CGT, công đoàn lớn nhất nước Pháp, khoảng 144 cuộc biểu tình và diễu hành dự kiến diễn ra trên cả nước trong ngày 9/3 theo lời kêu gọi của các tổ chức thanh niên và công đoàn.

Các cuộc biểu tình nhằm phản đối những chính sách mới mà Bộ Lao động vừa đưa ra trong nỗ lực góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức trên 10% của quốc gia này. Theo đó, hầu hết khía cạnh liên quan tới các mối quan hệ lao động vốn đã được luật hóa đều bị đưa vào dạng có thể đàm phán.

Những vấn đề liên quan tới các quyền lợi của người lao động như số giờ làm việc tối đa, số ngày nghỉ và chế độ lương nghỉ phép sẽ đều được đưa ra xem xét. Bên cạnh đó, nhiều biện pháp nhằm hạn chế chi phí sa thải nhân viên cũng được nêu trong đề xuất.

Trong khi chính phủ và các lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng luật mới sẽ khuyến khích công ty tăng số hợp đồng dài hạn với người lao động và đặc biệt có lợi cho lao động trẻ thì các công đoàn và một bộ phận trong đảng Xã hội cầm quyền lại cho rằng những biện pháp này có thể dẫn tới nhiều nguy cơ đối với an sinh việc làm.

Đơn kiến nghị trực tuyến phản đối những biện pháp cải cách này đã thu hút hơn 1 triệu lượt chữ ký trong khi cuộc thăm dò gần nhất cho thấy 70% số người được hỏi phản đối các đề xuất mới. Chính phủ hiện vẫn đang đàm phán với một số công đoàn để nhận được sự ủng hộ đối với các biện pháp này.

Thủ tướng Manuel Valls cũng đã hoãn buổi thuyết trình về các biện pháp này trước quốc hội trong vòng 2 tuần, một dấu hiệu cho thấy chính phủ có thể sẽ nhượng bộ.

Cùng ngày, một cuộc đình công khác của các nhân viên đường sắt do những bất đồng về chế độ lương cũng diễn ra khiến nhiều hoạt động giao thông bị đình trệ. Mọi dịch vụ đường sắt vào thủ đô Paris đều trong tình trạng đình trệ.

Giới chức cho biết ngay từ sáng sớm mọi người phải xếp hàng chờ đợi để được đi vào trung tâm Paris bởi chỉ có 1 trong 3 tàu chạy vào Paris hoạt động trong ngày đình công. Cơ quan điều hành cho biết hệ thống tàu hỏa Eurostar nối liền Paris (Pháp), London (Anh) và Brussels (Bỉ) cũng sẽ bị ảnh hưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục