Nuôi dưỡng, “ươm mầm” các thế hệ tương lai ở Trường Sa

Trường TH Sinh Tồn, xã đảo Sinh Tồn, Trường Sa, Khánh Hòa, vừa mới hoàn thành và đón những học sinh đầu tiên, là nơi nuôi dưỡng, “ươm mầm" cho Trường Sa.

Trường Tiểu học Sinh Tồn thuộc xã đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, vừa mới hoàn thành và đón những học sinh đầu tiên đến học tập. Đây cũng là nơi nuôi dưỡng, “ươm mầm” các thế hệ tương lai cho Trường Sa và cả nước.

Mô hình lớp ghép “ba trong một”

Ngay sau khi hoàn thành, Trường Tiểu học Sinh Tồn đã đón bốn học sinh đầu tiên đến học, Nguyễn Trần Anh Luân, 9 tuổi, học lớp 3; Võ Trung Tín, 7 tuổi, học lớp 1; Võ Thanh Thạch và Nguyễn Công Minh Huy đều 5 tuổi, học mẫu giáo. Bốn cháu tuy học ở ba khối lớp khác nhau, nhưng lại học chung phòng, chung thầy và chung buổi, nên gọi là mô hình lớp ghép “ba trong một.”

Ngôi trường mới tại Sinh Tồn chỉ cách nhà các cháu ở một đoạn đường ngắn, hai bên có hàng cây bàng vuông tỏa bóng mát. Đúng 7 giờ sáng, tiếng trống trường vang lên ba hồi liền, báo hiệu buổi học sắp bắt đầu. Bốn cháu trong trang phục áo trắng, quần xanh, vai đeo cặp sách tung tăng đến trường. Trước khi vào lớp, người “anh cả” và cũng là lớp trưởng Nguyễn Trần Anh Luân đứng trên bậc hè cao nhất trước lớp, tập trung các em xếp hàng vào lớp học. Buổi học ở ngôi trường mới Sinh Tồn bắt đầu.

Lớp học ở ngôi trường mới này rất khang trang, thoáng mát, có đầy đủ đồ dùng, thiết bị dạy và học. Mỗi cháu có một bộ bàn ghế riêng phù hợp với lứa tuổi của mình. Ngồi ngoài cùng là lớp trưởng Anh Luân, Trung Tín ngồi vị trí tiếp theo, cả hai cùng hướng mặt về phía bảng đen. Riêng Thanh Thạch và Minh Huy đang học mẫu giáo, ngồi quay lưng lại với hai người anh học lớp trên và hướng mặt ra phía cửa sổ.

Trên bàn giáo viên, ngoài thước kẻ, phấn viết bảng còn có đến ba bộ sách của các khối lớp mẫu giáo, lớp 1 và lớp 3. Chiếc bảng đen được giáo viên chia làm hai phần: một nửa để dạy chương trình lớp 3, nửa còn lại dạy chương trình lớp 1. Riêng hai cháu học mẫu giáo, giáo viên thường phải cầm tay dạy vẽ, viết... vào quyển vở.

Hai thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ, 23 tuổi và Lê Anh Đức, 25 tuổi, đến xã đảo Sinh Tồn công tác năm 2013, thay nhau dạy hai buổi mỗi ngày. Vào buổi sáng, thầy Hạ thường phụ trách đứng lớp. Trong mỗi buổi học, thầy Hạ dành thời gian dạy Anh Luân đọc, viết trước; sau đó quay sang dạy Trung Tín cách làm toán. Trong khi Anh Luân nắn nót viết từng chữ, Trung Tín miệt mài làm các phép tính, thầy Hạ lại ân cần cầm tay Thanh Thạch, Minh Huy dạy luyện viết từng chữ cái.

Ngoài việc dạy học, hai thầy còn hướng dẫn cho cả lớp thực hiện các bài tập thể dục, chơi trò chơi, tập hát... Thầy Hạ tâm sự: “Những buổi đầu tiên đến trường, bài học các cháu được dạy không phải là viết và đọc được mấy câu thơ, làm được bao nhiêu phép toán, mà trước tiên là dạy các cháu biết vâng lời cha mẹ, anh em, các chú bộ đội; khi đi học hay về nhà biết chào cha mẹ; ai cho và giúp điều gì biết nói lời cảm ơn; ngoài giờ học còn biết giúp mẹ trông em, nhặt rau…”

Ươm những "mầm xanh”

Sinh Tồn là trường tiểu học thứ hai được xây dựng ở huyện Trường Sa. Trường được xây dựng hai tầng kiên cố, rộng trên 380m2 với 6 phòng sử dụng để dạy học, làm thư viện, sân chơi. Kinh phí xây dựng trường khoảng 12,5 tỷ đồng do “Quỹ học bổng Vừ A Dính” huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp.

Là người gắn bó với Trường Sa đã rất lâu, nhưng mỗi khi đến thăm ngôi trường mới Sinh Tồn, Đại tá Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trường Sa vẫn xúc động chia sẻ: Ngôi trường không chỉ đơn thuần phục vụ dạy và học, mà còn có ý nghĩa rất lớn về chính trị, xã hội và thể hiện tính nhân văn sâu sắc; đồng thời là biểu tượng về tình đoàn kết, cùng chung tay đóng góp xây dựng Trường Sa thân yêu của người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Theo Đại tá Nguyễn Viết Thuân, “ngôi trường mới Sinh Tồn đã tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh nâng cao chất lượng dạy và học. Các cháu học ở ngôi trường này, tương lai sẽ trở thành những cán bộ trực tiếp quản lỷ đảo, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà cha ông ta để lại.” Câu chuyện của vị lãnh đạo huyện Trường Sa kể cho chúng tôi về ngôi trường mới Sinh Tồn, về Anh Luân, Trung Tín… nghe như không có hồi kết.

Cảm xúc trong chúng tôi dâng trào khi được nghe Anh Luân chia sẻ về ước mơ của mình: “Sau này lớn lên cháu sẽ làm chú bộ đội để bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc." "Để trở thành chú bộ đội Anh Luân phải làm gì?" Tôi hỏi tiếp. Không đắn đo, Anh Luân đáp ngay: “Dạ, cháu phải học thật giỏi, ngoan và nghe lời cha mẹ, thầy giáo và các chú bộ đội.”

Sự nghiệp “trồng người” ở Trường Sa vẫn đang tiếp tục được vun đắp từng ngày bằng tình đoàn kết, ý chí và sự quyết tâm. Tại đây, những người thầy đã không quản khó khăn, vất vả để đến với “đảo xa” chắp cánh ước mơ cho con trẻ ngay từ bài học vỡ lòng. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, thầy Lê Anh Đức, quê ở Thanh Hóa tình nguyện ra đảo Sinh Tồn dạy học.

“Niềm hạnh phúc lớn nhất của bản thân là được ra Trường Sa góp một phần công sức của mình gieo con chữ, tình yêu biển, đảo vào lòng trẻ thơ” thầy Đức tâm sự. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, các thầy luôn nhận được sự giúp đỡ, đùm bọc của người dân, cán bộ và chiến sỹ để có thêm động lực cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Ngoài giờ dạy học, các thầy còn tổ chức giúp người dân, chiến sỹ tăng gia sản xuất; qua đó tăng thêm tình đoàn kết quân, dân trên đảo.

Tiễn chúng tôi rời xã đảo Sinh Tồn, thầy Hạ, thầy Đức cùng bốn học trò hát vang bài “Khúc quân ca Trường Sa” như để thay cho lời chào tạm biệt. Chuyến tàu đưa chúng tôi ra xa giữa trùng khơi nhưng ai nấy cảm nhận được ý chí, tình yêu biển, đảo của thầy và trò ở Trường tiểu học Sinh Tồn qua những câu hát: “…Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua…”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục