Nuôi thành công giống cá ngựa lớn nhất thế giới

Viện Hải dương học Nha Trang đã nghiên cứu thành công quy trình thử nghiệm sinh sản loài cá ngựa thân trắng lớn nhất thế giới.
Viện Hải dương học Nha Trang đã nghiên cứu thành công quy trình thử nghiệm sinh sản loài cá ngựa thân trắng lớn nhất thế giới.

Nuôi cá ngựa thân trắng trong phòng thí nghiệm

Cá ngựa thân trắng tên khoa học là Hippocampus Kellogi, là 1 trong 3 loài cá ngựa lớn nhất thế giới. Trong khi các loài cá ngựa trên thế giới có chiều dài nhỏ hơn 20cm, thì loài Hippocampus Kellogi kích thước lớn nhất có thể đạt đến 35cm.

Cá ngựa thân trắng thường sống ở độ sâu 20-150m từ vùng biển Đà Nẵng đến Vũng Tàu.

Đây là loài cá ngựa quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam, Danh sách đỏ (Red list) của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) và phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Cử nhân Hồ Thị Hoa, cán bộ Phòng công nghệ nuôi trồng thuộc Viện Hải dương học (Nha Trang, Khánh Hòa) là “chủ nhân” của đàn cá ngựa thân trắng hơn 300 con cho biết công trình nghiên cứu “Thử nghiệm sinh sản cá ngựa thân trắng” của chị đã thành công và nghiệm thu sau hơn 9 tháng (từ tháng 3/2009 đến nay) nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm.

Kết quả, đàn cá ngựa vẫn phát triển bình thường và nuôi thành cá thương phẩm, tỷ lệ sống trên 60%, tốc độ sinh trưởng nhanh, cá 7 tháng tuổi đạt chiều dài trung bình 20cm, 9 tháng đạt 22cm, dự kiến cá tròn 1 năm tuổi đạt chiều dài 25- 26cm và có khả năng phát dục trong điều kiện thí nghiệm.

Tuy nhiên, theo chị Hoa, việc nuôi dưỡng cá ngựa cũng gặp rất nhiều khó khăn do đến nay, chưa có công trình nghiên cứu về việc nuôi loại cá này. Và có thể nói, đây là lần đầu tiên trên thế giới, việc nuôi dưỡng và sinh sản cá ngựa thân trắng được tiến hành trong phòng thí nghiệm.

Trở ngại lớn nhất của công việc này là tìm được cá ngựa thân trắng bố mẹ vì đây là loài cá hiếm, ngư dân nếu có đánh bắt ngoài khơi được thì cũng không bảo đảm nguyên vẹn do cá chết, sốc hoặc nổ mắt (thay đổi áp suất)...

Bên cạnh đó, do cá đã quen sống ở độ sâu 20-150m nên việc thích nghi trong điều kiện nuôi nhốt là rất khó. Không những thế, khi tiến hành việc ấp nở cá con, rất nhiều con đã bị bệnh mà chủ yếu là bệnh nổi bọt khí, phình hơi...

Để thực hiện quá trình nuôi dưỡng cá ngựa thân trắng, nhóm nghiên cứu đã phải cải tiến khá nhiều quy trình nuôi cá ngựa. Do đó, theo chị Hoa, tỷ lệ cá chết gần 40% là thành công bước đầu của nhóm.

Hướng đến nghiên cứu để thả về tự nhiên và phát triển kinh tế

Theo giá thị trường ở Việt Nam, một con cá ngựa thân trắng từ 25-30cm có giá từ 800.000-1.000.000 đồng/con, do đó giá trị kinh tế của loài cá ngựa này là rất lớn.

Cá ngựa thân trắng có hàm lượng amino acid và acid béo không no HUFA rất cao, đặc biệt là DHA. Hàm lượng kẽm và mangan trong cá cũng khá cao.

Về mặt y học, cá ngựa giúp tăng cường hoạt động của thận và sự sinh tinh, cần thiết cho sự trao đổi chất của con người. Hàm lượng kẽm và sắt cao (160 microgam/g) ở cá ngựa giúp cải thiện hệ miễn dịch và tăng sự vận chuyển oxy của huyết sắc tố ở người.

Tuy nhiên, trong tự nhiên, cá sống ở độ sâu lớn, lượng thức ăn ít, di chuyển chậm nên dễ bị thiên địch tiêu diệt, đánh bắt...

Cá ngựa thân trắng là loài quý hiếm nên sắp tới, nhóm nghiên cứu sẽ đề nghị Viện Hải Dương học duy trì đàn cá F1 này, tiếp tục nghiên cứu các chỉ tiêu liên quan như: Đặc điểm sinh học, thức ăn, mật độ, tỷ lệ sống, mùa sinh sản... để hình thành cá ngựa bố mẹ, hi vọng sắp tới sẽ có được đời F2.

Nếu đàn cá này tiếp tục phát triển và sinh sản tốt, Viện Hải Dương học sẽ thả về khu bảo tồn biển hòn Mun-vịnh Nha Trang để tái tạo nguồn lợi, gây dựng đàn cá tự nhiên. Mặt khác, Viện sẽ cung cấp giống và triển khai chuyển giao kỹ thuật cho các ngư dân để họ có cơ hội phát triển và làm giàu từ loại cá ngựa này./.

Quang Đức (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục