"Ở các nước tiên tiến, trường đại học không dại tự tổ chức thi tuyển"

"Tổ chức thi tuyển và tự chủ xét tuyển là hai chuyện khác nhau. Tổ chức một kỳ thi chất lượng là rất khó nên tổ chức một kỳ thi chung là xu hướng mà nước nào cũng làm," giáo sư Lâm Quang Thiệp nói.
"Ở các nước tiên tiến, trường đại học không dại tự tổ chức thi tuyển" ảnh 1Giáo sư Lâm Quang Thiệp. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã liên tục nhiều năm loay hoay với đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhưng mùa thi nào nhưng cũng để lại những bức xúc trong dư luận. 

Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức gặp lãnh đạo các trường đại học, các sở giáo dục trực thuộc để bàn bạc về những đổi mới cho năm 2017.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với giáo sư Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, chuyên gia đầu ngành của Việt Nam về lĩnh vực khảo thí, kiểm định chất lượng, xung quanh vấn đề này.

- Thưa giáo sư, hiện nhiều ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên trả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông về cho các địa phương tự thực hiện, trả kỳ tuyển sinh đại học cho các trường đại học tự chủ. Giáo sư nghĩ sao về điều này?

Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Ở đây tôi nghĩ có một vấn đề cần hiểu cho rõ. 

Phải hiểu tổ chức thi tuyển và tự chủ xét tuyển là hai chuyện khác nhau. Vì tổ chức một kỳ thi cho có chất lượng là rất khó, nhiều khi một trường đại học bình thường không có khả năng làm được.

Tại Mỹ có hai tập đoàn tư nhân làm khảo thí với hai kỳ thi ACT và SAT.

Tất cả các trường đại học Mỹ đều công nhận các kết quả của hai kỳ thi này. Họ công nhận kết quả vì các tập đoàn làm rất chuyên nghiệp, các trường không làm được. 

Từ năm 1995, tôi từng gặp một đại diện của Tập đoàn ACT. Lúc đó, tôi hỏi họ làm thế nào để ra đề thi và tổ chức cho kỳ thi. Vị này cho biết có nhiều bước rất phức tạp và nhẩm tính tốn khoảng một triệu USD. Một triệu USD ngày đó lớn lắm.

Như vậy, muốn tổ chức một kỳ thi tốt và tốn thì làm sao một trường đại học làm được và họ cũng không dại mà làm.

Hai tập đoàn đó tổ chức thi trên toàn nước Mỹ, mỗi năm có từ ba đến bốn triệu thí sinh giam gia. Lượng thí sinh lớn nên họ cũng thu được số tiền học phí khổng lồ, mới đủ để chi trả cho khâu ra đề, tổ chức. 

Tốn kém, nhưng còn phải có chuyên gia giỏi mới làm được.

Năm 2001, chúng tôi có vào tập đoàn làm kỳ thi SAT. Lúc đó, họ có khoảng 3.500 nhân viên. Trong đó khoảng 800 người trình độ tiến sỹ. Lực lượng còn lớn hơn cả một trường đại học.

Ở Mỹ, kỳ thi ACT và SAT tổ chức 12 lần thi một năm nên việc thi lấy điểm vào đại học không có gì căng thẳng. Mỗi tháng một kỳ thi, thi lần này không được thì thi lần sau để nâng điểm lên. 

Vậy nên quan điểm tự chủ tuyển sinh là cứ để các trường tự tổ chức thi là không đúng. Tự chủ tuyển sinh nhưng không phải tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh. Hai cái đó khác nhau. 

Tổ chức thi có chất lượng rất khó và tốn kém. Vì thế, tổ chức một kỳ thi chung là xu hướng chung mà nước nào cũng làm. Đơn vị đứng ra tổ chức có thể là tập đoàn tư nhân như ở Mỹ, hoặc do cơ quan nhà nước như ở Nhật. 

Các trường chỉ lấy kết quả để tuyển. Trường yêu cầu cao hơn có thể có thêm vòng phỏng vấn.

"Ở các nước tiên tiến, trường đại học không dại tự tổ chức thi tuyển" ảnh 2Cảnh tượng kinh hoàng trong mùa tuyển sinh đại học năm 2015 làm dậy sóng dư luận. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

- Vậy các kỳ thi chung đó được tổ chức như thế nào, thưa giáo sư? Liệu có giống như kỳ thi đại học theo hình thức ba chung mà chúng ta đã duy trì trì trước đây?

Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Tất cả các kỳ thi lớn, gọi là thi tiêu chuẩn hoá quy mô lớn, đều phải xây dựng theo tiêu chuẩn nhất định. Kỳ thi đó liên quan đến hàng triệu thí sinh nên phải tổ chức, thiết kế thật cẩn thận, vì một sai sót nhỏ sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Trên thế giới, họ cẩn thận lắm, và phương pháp chủ yếu họ dùng là trắc nghiệm.

Ra đề thi có hai phương pháp chính là trắc nghiệm và tự luận. Hai nhóm phương pháp đó cái nào cũng có ưu điểm và nhược điểm, không nhóm nào tuyệt đối tốt hơn. Nhưng với kỳ thi quy mô lớn thì trắc nghiệm có ưu thế áp đảo so với tự luận. Trắc nghiệm chấm thi bằng máy nên hoàn toàn khách quan, không có sự can thiệp chủ quan của người chấm. 

Thi tự luận chấm thi rất chủ quan theo ý người chấm, nó ảnh hưởng đến kết quả rất nhiều. 

Chất lượng thi trắc nghiệm phụ thuộc đề thi. Đề thi làm tốt thì chất lượng thi tốt. Còn chất lượng thi tự luận lại phụ thuộc trình độ của người chấm. 

Chất lượng đề thì đơn vị tổ chức thi có thể chủ động nâng lên được. Họ có thể xây dựng ngân hàng câu hỏi với hàng trăm, nghìn người tham gia.

Đề thi được chuẩn hóa, nghĩa là câu hỏi trước khi đưa vào sử dụng sẽ được thử nghiệm ở nhiều nơi với các đối tượng thí sinh khác nhau. Các câu hỏi sai đều bị loại trong quá trình này. Phân tích kết quả thử nghiệm, người ta đánh giá được câu hỏi nào tốt, mức khó – dễ ra sao. 

Thời gian xây dựng ngân hàng này có thể kéo dài một vài năm, có hàng chục nghìn câu hỏi. Khi thi, họ có phần mềm để rút đề từ ngân hàng đó. Nâng cao chất lượng đề vì thế không khó khăn do có nhiều người tham gia trong thời gian dài. 

Do làm đề thi rất cầu kỳ, qua nhiều công đoạn nên đề được giữ bí mật để có thể sử dụng thi nhiều lần. Tuy nhiên, ngân hàng đề cũng được sàng lọc liên tục.

Nhưng tự luận thì tìm đâu ra người trong thời gian ngắn nửa tháng hay một tháng có thể chấm hàng nghìn bài thi? Cho nên những người chấm đề tự luận chấm trong kỳ thi lớn không thể tìm đủ người có trình độ.

Tất nhiên, trắc nghiệm lại có cái dở là không đánh giá được một số năng lực như năng lực diễn đạt. 

Để đánh giá kỹ năng đó ở một số cuộc thi người ta có thêm phần tự luận nhưng rất ngắn, ví dụ chỉ viết khoảng 300 từ. Khi đó thí sinh cũng phải suy nghĩ để viết, bố cục cho phù hợp. Viết ngắn, chấm cũng không mất công.

Ở Việt Nam, tôi từng tư vấn Bộ tổ chức kỳ thi trắc nghiệm theo tổ hợp môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại lo việc thi như vậy là thi tích hợp trong khi giáo dục phổ thông vẫn dạy từng môn riêng. Thực ra, khi chưa dạy tích hợp thì thi tổng hợp các môn trong cùng một bài thi chứ không phải thi tích hợp.

- Như vậy, nên hình thành các đơn vị khảo thí độc lập tổ chức kỳ thi chuẩn hóa và các trường tự chủ trong việc tuyển sinh dựa trên kết quả đó. Nhưng ở Việt Nam liệu có thể áp dụng được điều đó, thưa giáo sư?

Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Ở Việt Nam hiện nay đã có 4 trung tâm khảo thí của các trường đại học. Tất nhiên, để đứng ra tổ chức một kỳ thi như thế không phải đơn vị nào cũng có thể làm được ngay.

Trước mắt, có thể Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ đứng ra làm.

Người ta vẫn nói thi tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường, Bộ không không nên xen vào, nhưng như thế là không đúng.

Vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng làm khá tốt công tác khảo thí và theo hướng hiện đại.

Về lâu dài, nên là các tổ chức độc lập. Và nên có ít nhất hai đơn vị tổ chức để tăng tính cạnh tranh, đảm bảo chất lượng.

- Xin cảm ơn giáo sư!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục