Ô nhiễm âm thanh khi thiếu hụt văn hóa bấm còi

Ban ngày, đường đông bấm còi để dẹp đường còn khi đêm đến, đường vắng nhiều người cũng bấm còi chỉ để cho … đỡ buồn.
Khi tham gia giao thông, nhiều người có thói quen bấm còi một cách tùy tiện, mọi lúc, mọi nơi. Ban ngày đường đông bấm còi để dẹp đường và ban đêm đường vắng họ cũng bấm còi cho … đỡ buồn.

Một bản hợp ca hỗn loạn của các loại còi khiến tất cả các đô thị lớn của chúng ta đang bị ô nhiễm âm thanh nặng nề, nhưng hơn thế, nó còn thể hiện sự thiếu hụt của văn hóa giao thông.

Tắc đường... là bấm còi

Xe máy, xe taxi bấm còi, xe ôtô tải, xe khách bấm còi... và cả xe ba gác cũng tìm cách bấm còi. Phương tiện nào cũng cố gắng tạo cho mình một tiếng còi to nhất, đặc biệt nhất.

Tại một ngã tư, đèn đỏ vừa chuyển màu xanh, tiếng còi đồng loạt rú inh ỏi phía sau và lần lượt các loại xe chồm chồm lên nhau chạy. Ai cũng biết đèn xanh là lúc mọi người đều cần phải đi, nhưng với nhiều người, bấm còi đã trở thành một thói quen không thể sửa.

Mỗi người cố góp vui một tiếng còi khiến người tham gia giao thông không chỉ bị tra tấn bằng các loại âm thanh của động cơ mà còn phải chuẩn bị tinh thần để thích nghi với sự hỗn loạn của các loại tiếng còi xe gầm rú.

Khi được hỏi tại sao lại bấm còi tin tin liên tục như thế trong khi đường đang tắc và cũng chẳng có việc gì vội thì Nguyến Văn Đại, sinh viên năm thứ 3 Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Thấy những người phía sau bấm còi giục mình thì mình cũng cuống lên và ức chế nên lại bấm còi giục những người phía trước thôi. Lâu dần thành thói quen thôi chứ nhiều lúc cũng chẳng vội gì.”

Đó là chuyện của ban ngày, còn ban đêm đường vắng nhưng nhiều người cũng lấy chuyện bấm còi làm thú vui riêng. Bác Nguyễn Văn Bính, tập thể đại học Thương Mại cho biết: “Nhà có cháu nhỏ, có những đêm cháu đang ngủ, ngoài đường ai đó đi về muộn mặc dù đường rất vắng nhưng cũng bấm còi toe toe. Thế là đứa cháu tôi giật mình tỉnh dậy, khóc nức lên.”

Không chỉ khiến cho nhiều người tham gia giao thông cảm thấy bực mình khó chịu mà đôi khi xung quanh việc bấm còi xe cũng có vô vàn những câu chuyện dở khóc, dở cười.

Anh Nguyễn Hải Nam, nhân viên Công ty cổ phần bảo hiểm Agribank kể đầy vẻ bức xúc: “Một lần mình dừng ở ngã ba Liễu Giai, Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh có một người đàn ông bấm còi inh ỏi chỉ để nhích lên nửa mét. Bực mình vì bị tiếng còi tra tấn dội thẳng vào tai nên bực mình buột miệng nói: Còi gì mà lắm thế, có bay được qua thì bay chứ đi được đâu mà cứ bấm còi. Thể là người đàn ông kia xuống xe giáng cho mình một cú đấm vào mặt. Mình nghĩ, chẳng lẽ ra đường lại đeo tai nghe để không phải nghe những tiếng còi ức chế kiểu như thế nữa.”

Đi xe máy đã thế, nhưng nhiều người đi xe khách cũng tỏ ra rất bức xúc vì bị tra tấn bởi thói quen bấm còi vô tội vạ của những người tài xế. “Họ nói không bấm còi như thế thì đi bao giờ về được đến bến nhưng thực ra đó chỉ là một hành động vô ý thức. Nhiều lúc hành khách cũng bị ù tai trước tiếng còi của chính chiếc xe mình đi”, Đỗ Thị Dịu, một hành khách thường xuyên của các chuyến xe khách từ Hà Nội về Ninh Bình cho biết.

Và những tiếng còi chẳng giống ai

Có lẽ điều mà những người tham gia giao thông sợ nhất vẫn là những tiếng còi tự chế để “không ai giống mình và mình chẳng giống ai” của những đối tượng đặc biệt.

Nghe thấy những “tiếng còi chẳng giống ai”, mặc dù bấm nhẹ cũng đã kêu to như tiếng xe cấp cứu kiểu này khiến nhiều người bao giờ cũng tìm cách né vào sát lề đường vì tưởng là sắp có phương tiện ngoại cỡ đi đến. Tuy nhiên, không ít người phải bực mình vì đôi khi đó chỉ là chiếc xe máy bình thường với những cậu thanh niên tóc xanh, tóc đỏ đánh võng ngang dọc.

Không những tạo cho mình sự khác người bằng loại còi có âm thanh ngoại cỡ, nhiều người còn cố gắng tạo nên những tiếng còi đặc biệt theo kiểu “nhạc đơn âm” rồi cả “nhạc đa âm” để bấm thành những giai điệu ngân dài trên đường. Đôi khi xe chẳng thấy đâu nhưng người tham gia giao thông đã bị ức chế bởi tiếng còi inh ỏi, ngân dài từ xa.

Còi xe máy đã thế nhưng còi những chiếc xe tải, xe khách cỡ lớn mới thực sự là âm thanh cực hình trên đường phố. Các loại còi hơi khuyếch đại âm thanh khiến cho không ít người cảm thấy như có thể thủng màng nhĩ. Các loại còi hơi này được quy định là chỉ được phép bấm trên các xa lộ xa thành phố nhưng nhiều xe khách, xe tải vẫn ngang nhiên sử dụng ngay giữa thành phố, giữa khu đông dân cư, giữa đêm khuya đường vắng…

Hiện nay đã có những quy định về việc xử phạt vi phạm về việc bấm còi và sử dụng còi không đúng chủng loại. Nghị định 39/2001/NĐ - CP đã quy định về mức xử phạt hành chính vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị với các hành vi như: Sử dụng đèn pha hoặc còi hơi trong thành phố, thị xã; dùng còi ở những nơi cấm còi hoặc làm mất yên tĩnh có khung hình phạt là 50.000 đồng.

Ở điều 8, chương 2, Luật Giao thông Đường bộ cũng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, trong đó có nghiêm cấm hành vi: “Bấm còi và rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22h đến 5h, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị...” Tuy nhiên, hiện nay cũng chưa có mấy người bị xử phạt vì vi phạm những quy định này.

Những minh chứng khoa học đều cho thấy, việc nghe những âm thanh quá lớn sẽ gây hại không nhỏ đến sức khỏe con người với những hậu quả như điếc hoặc làm chảy máu tai người, các bệnh liên quan đến thần kinh, nhức đầu… Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường lại xuất hiện một cách tràn lan các loại còi có cường độ âm thanh quá lớn mà không hề có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. 

Những người coi việc bấm còi là một điều đương nhiên đều biện minh rằng do chất lượng đường sá ở Việt Nam quá kém nên phải bấm còi để tăng tốc, để tránh va chạm… Thế nhưng, một lưu học sinh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết ở đất nước bạn Lào, mặc dù chất lượng đường sá cũng chẳng tốt hơn Việt Nam nhưng những người tham gia giao thông rất ít khi bấm còi. Đường sá ở Lào chỉ tương đương hoặc thậm chí còn kém hơn Việt Nam nhưng người đi đường rất có ý thức nhường đường, chờ đèn đỏ và họ coi việc bấm còi là bất đắc dĩ.

Thật đáng buồn thay khi xã hội đang ngày càng hiện đại thì thói quen thiếu ý thức này càng được tiếp tay. Nếu như mỗi người không nhận thức được vai trò và giá trị của mỗi hành động văn hóa thì vấn nạn giao thông ở Việt Nam sẽ càng khó được giải quyết./.

Nguyễn Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục