Ô nhiễm bụi khí tại EU vượt chuẩn của Liên hợp quốc

Theo EAA, ô nhiễm bụi khí nguy hiểm đã giảm tại EU nhưng gần 88% dân cư thành thị vẫn đang chịu ô nhiễm bụi khí vượt chuẩn LHQ.
Theo báo cáo của Cơ quan Môi trường châu Âu (EAA), ô nhiễm bụi khí nguy hiểm đã giảm tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) nhưng khoảng gần 88% dân cư thành thị của khu vực này vẫn đang chịu ô nhiễm bụi khí ở mức độ vượt tiêu chuẩn của Liên hợp quốc.

Trong báo cáo thường niên về chất lượng không khí của khu vực EU, EAA đã bày tỏ quan ngại về bụi ô nhiễm, đặc biệt là các phần tử bụi bẩn siêu nhỏ và muội do đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra. EAA cho rằng người dân EU thường xuyên hít thở không khí không đạt tiêu chuẩn khi có tới 98% dân số EU hiện sinh sống tại các khu vực có nồng độ ozone lớp mặt đất cao hơn quy định của Liên hợp quốc.

Bụi khí (PM) có đường kính nhỏ hơn 10 micro có thể bay vào các lỗ thông gió gây ra các vấn đề về hô hấp ở người. Nguy hiểm hơn là các hạt nhỏ hơn đường kính dưới 2,5 micron, có thể được hít sâu vào phổi và thậm chí có thể vượt qua thành mạch máu.

EAA cho biết bụi ô nhiễm PM10 mới chỉ giảm 14% trong khu vực EU từ năm 2002-2011, trong khi bụi PM 2,5 chỉ giảm 16%. Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai khi hít phải PM 2,5 ở nồng độ thấp trong thời gian mang thai sẽ làm gia tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân. Cân nặng trẻ sơ sinh nhỏ hơn 2,5kg sau 37 tuần mang thai có thể dẫn tới những vấn đề đường hô hấp ở trẻ nhỏ và những khó khăn liên quan đến nhận thức.

Bà Marie Pedersen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường-Dịch tễ học tại Barcelona (Tây Ban Nha) cho rằng kết quả nghiên cứu là thông điệp rõ ràng dành cho những nhà hoạch định chính sách về vấn đề xử lý ô nhiễm bụi khí.

Cùng với EU, tại Trung Quốc, bụi ô nhiễm hiện là vấn đề rất đáng lo ngại khi mỗi năm có hàng trăm nghìn trường hợp chết yểu do ô nhiễm. Theo một báo cáo tại Bắc Kinh hồi đầu năm, mức độ bụi PM 2,5 tại đây cao hơn 40 lần so với giới hạn khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Hồi tháng Chín vừa qua, Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ cắt giảm 25% lượng PM 2,5 vào năm 2017 so với mức năm 2012. Các thành phố lớn khác bên bờ biển miền Đông của Trung Quốc cũng đặt mục tiêu giảm từ 10-20%./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục