"Ô nhiễm" CO2 làm biến đổi hệ sinh thái biển

Nồng độ điôxít cácbon (CO2) trong khí quyển tăng là nguyên nhân khiến tốc độ ô nhiễm nước biển ở một số nơi tăng nhanh so với mức dự tính, đồng thời nó cũng làm thay đổi môi trường sống của cộng đồng sinh vật biển.

Nồng độ điôxít cácbon (CO2) trong khí quyển tăng là nguyên nhân khiến tốc độ ô nhiễm nước biển ở một số nơi tăng nhanh so với mức dự tính, đồng thời nó cũng làm thay đổi môi trường sống của cộng đồng sinh vật biển.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn tài liệu của các nhà nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm khoa học Mỹ, cho biết hiện tượng nước biển nhiễm CO2 đã làm thay đổi cộng đồng sinh vật biển, trước hết là loại nhuyễn thể, tôm, cua và nhiều sinh vật có vỏ cứng khác.

Nguyên nhân cơ bản làm gia tăng nồng độ CO2 trong khí quyển là do con người sử dụng liên tục những loại nhiên liệu hóa thạch và đốt phá các cánh rừng, giải phóng một lượng CO2 lớn, và khoảng 1/3 lượng khí CO2 tự do trong khí quyển được các đại dương hấp thụ. Khí CO2 hòa vào nước biển tạo ra axít cácbonníc, khiến nước biển trở nên chua và chính hiện tượng này làm độ pH trong nước biển giảm đáng kể.

Giáo sư Timothy Wootton và các cộng sự của ông ở trường Đại học Tổng hợp Chicago (Mỹ) đã nghiên cứu những thay đổi của nồng độ pH và ảnh hưởng của quá trình này đối với hệ sinh thái biển ở gần đảo Tatoosh, cách bờ biển Washington khoảng 1km. Các nhà nghiên cứu đã xem xét độ pH, nhiệt độ và độ mặn của nước biển để xác định những thay đổi diễn ra đối với các loài thực vật và động vật phổ biến ở đây.

Sau 8 năm nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học trên đã kết luận rằng nồng độ pH trong nước biển đã thay đổi và sự thay đổi này diễn ra nhanh hơn hàng chục lần so với mẫu giả định. Điều này tác động rất rõ tới cộng đồng sinh vật biển, chẳng hạn độ pH giảm sẽ làm giảm kích thước trung bình của một số loài nhuyễn thể. Đặc biệt, đối với những loài có vỏ cứng, nồng độ chua cao trong nước biển sẽ ảnh hưởng tới sự hình thành lớp vỏ vôi (canxi).

Các nhà khoa học cũng xác định rằng sự biến đổi độ pH đã tác động đến tổng thể hệ sinh thái biển, chẳng hạn loài sinh vật vỏ vôi cứng như Balanus glandula sẽ sinh sản nhanh hơn trong môi trường có nồng độ pH thấp, mặc dù một số loài không hề có sự thay đổi. Hiện các nhà khoa học Mỹ đang tiếp tục công trình nghiên cứu của họ để có kết luận chuẩn xác hơn về hiện tượng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục