Ô nhiễm không khí nghiêm trọng - bài toán nan giải của Jakarta

Báo Jakarta Post đăng bài viết "Kẻ thù của thủ đô Jakarta là ô nhiễm không khí,” trong đó kêu gọi Chính phủ Indonesia thực hiện các biện pháp đồng bộ và cần thiết để giải quyết tình trạng ô nhiễm này.
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng - bài toán nan giải của Jakarta ảnh 1(Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo Jakarta Post số ra mới đây đăng bài viết với tựa đề "Kẻ thù của thủ đô Jakarta là ô nhiễm không khí,” trong đó kêu gọi Chính phủ Indonesia thực hiện các biện pháp đồng bộ và cần thiết để giải quyết kịp thời và hiệu quả tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở thủ đô Jakarta.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay tại thủ đô Jakarta của Indonesia là việc người dân sống trong thành phố đang phải đối mặt với một kẻ thù rõ ràng được gọi là ô nhiễm không khí.

Một báo cáo công bố hồi đầu năm 2019 của tổ chức Greenpeace đã khẳng định Jakarta là thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á.

Trong suốt năm 2018, chỉ số bụi siêu mịn (PM2.5) ở Jakarta đã ở mức 45,3 µg(microgam)/m3 - cao hơn gấp 4 lần so với tiêu chuẩn tối đa do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra và cao gấp ba lần mức tối đa cho phép theo tiêu chuẩn quốc gia của Indonesia.

PM2.5 là một trong những chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất trong số các chất gây ô nhiễm không khí thường được đo, có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.

Với kích thước nhỏ, bụi siêu mịn thâm nhập sâu vào hệ hô hấp của con người và toàn bộ cơ thể.

Các nguồn phổ biến tạo ra PM2.5 là chất đốt từ động cơ xe, các ngành công nghiệp, đốt gỗ, than và thông qua các chất ô nhiễm khác phản ứng trong khí quyển.

Nồng độ PM2.5 tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, tim, ung thư và đột quỵ, đồng thời làm tăng thời gian nghỉ ốm, số ca nhập viện và trợ cấp y tế.

[Ô nhiễm không khí - 'kẻ sát nhân' khiến 6,5 triệu người chết mỗi năm]

Do đó, Ngày Môi trường Thế giới 2019 được tổ chức vào ngày 5/6 với chủ đề “Beat air pollution” là rất phù hợp.

Trong nhiều năm qua, chính quyền trung ương Indonesia và Jakarta đã thực hiện các biện pháp không đồng bộ để chống ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến thành phố này.

Quy định về tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia từ năm 1999 hiện vẫn đang được áp dụng, nhưng thực sự đã lỗi thời và cứng nhắc hơn nhiều so với tiêu chuẩn của WHO.

Tiêu chuẩn tối đa mức PM2.5 hàng ngày do chính phủ quy định là 65 microgam/m³ so với tiêu chuẩn WHO là 25 microgam/m³.

Tệ hơn, Indonesia hiện thiếu các thiết bị cần thiết để theo dõi ô nhiễm không khí. Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia chỉ vận hành một trạm giám sát chất lượng không khí ở Jakarta nằm trong Khu liên hợp thể thao Gelora Bung Karno.

Trong khi đó, Cơ quan Môi trường Jakarta vận hành 5 trạm quan trắc nhưng không trạm nào trong số này cung cấp đầy đủ và kịp thời các dữ liệu cập nhật hàng ngày.

Ví dụ, ngày 3/6, trang web của cơ quan này báo cáo chất lượng không khí của thành phố Jakarta vào ngày 20/5, tức chậm khoảng hai tuần.

Thủ đô Jakarta thường phải dựa vào 2 trạm quan trắc ở phía Nam Jakarta và Trung tâm Jakarta của Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta.

Theo trạm quan trắc Nam Jakarta, thủ đô Jakarta chỉ có 11 ngày ghi nhận chất lượng không khí tốt trong năm 2018. Phần còn lại là ở mức trung bình (86 ngày), không lành mạnh cho các nhóm nhạy cảm (130 ngày) và không lành mạnh (98 ngày).

Mức PM2.5 hàng năm ở Nam Jakarta dựa trên quan trắc là 45,9 microgam/m3, kém hơn một chút so với mức báo cáo của Greenpeace.

Bất chấp những tác động và nguy hiểm của ô nhiễm không khí, Chính phủ Indonesia dường như chưa thật sự quan tâm vì nhiều lý do.

Đầu tiên, giải pháp về giao thông công cộng vẫn còn rất hạn chế và người dân có xu hướng tập trung vào chính trị thay vì các vấn đề cấp bách liên quan đến sức khỏe của chính họ.

Thứ hai, ô nhiễm không khí thường ít được chú trọng hơn so với các vấn đề về lũ lụt, ô nhiễm nước và chất thải.

Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã thừa nhận thành phố đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngoài các biện pháp đang triển khai, chính quyền Jakarta cần phải có biện pháp nhanh chóng và cụ thể để giải quyết ô nhiễm không khí.

Trước hết, thành phố cần cung cấp đủ thiết bị giám sát chất lượng không khí. Các thiết bị không chỉ được đặt tại Jakarta mà còn ở các tỉnh lân cận Tây Java và Banten vì ô nhiễm không khí không có biên giới.

Thứ hai, Jakarta cũng cần tiến hành nghiên cứu thường xuyên về khí thải để có thể cập nhật mức phát thải từ giao thông, nhà máy nhiệt điện than, hoạt động công nghiệp và hộ gia đình.

Bằng cách đó, Chính phủ Indonesia mới có thể thực hiện các biện pháp chính xác để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục