Ô nhiễm là thách thức lớn với không ít làng nghề

Ô nhiễm môi trường là thách thức lớn với không ít làng nghề; các chính sách bảo vệ môi trường áp dụng cho các làng nghề ít được triển khai.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ hai, sáng 29/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Trình bày Báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, mục đích hoạt động của Đoàn giám sát lần này là đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân cũng những tồn tại và đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề trong phạm vi cả nước.

Đoàn giám sát đã làm việc với đại diện lãnh đạo nhiều bộ ngành và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Nhân dân 19 tỉnh, thành phố và khảo sát thực tế tại 15 khu kinh tế ven biển và 54 làng nghề tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xem xét báo cáo của các bộ có liên quan, của Ủy ban Nhân dân 58 tỉnh, thành phố và báo cáo giám sát của 10 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi đến.

Qua giám sát cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường có liên quan đến khu kinh tế đã được ban hành tương đối đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc quản lý và bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế. Tuy nhiên, tiến độ ban hành còn chậm; thiếu các quy định phù hợp với quản lý môi trường đặc thù của các khu kinh tế; một số quy định còn chồng chéo về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành ở khu kinh tế. Việc chỉ đạo, điều hành công tác bảo vệ môi trường ở các khu kinh tế chưa thực sự thường xuyên; thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường ở các khu kinh tế tuy đã được quan tâm và có những kết quả nhất định nhưng vẫn còn không ít cơ sở chưa tuân thủ nghiêm, thực hiện không đầy đủ các nội dung cam kết.

Báo cáo cũng chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, ô nhiễm môi trường là một trong những thách thức lớn đang đặt ra đối với không ít làng nghề. Đoàn giám sát nhận định, các chính sách liên quan đến đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường áp dụng cho các làng nghề trên thực tế ít được triển khai. Việc thực hiện những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi áp dụng cho làng nghề còn nhiều khó khăn, bất cập.

Cho đến nay, kinh phí từ Trung ương và địa phương dành chi trực tiếp cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề rất hạn chế. Chức năng thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về bảo vệ môi trường nói riêng đối với các đối tượng sản xuất trong làng nghề được giao cho nhiều ngành nhưng việc thực hiện chưa thường xuyên, xử lý chưa thực sự nghiêm minh. Hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường ở một số nơi mới chỉ mang tính phong trào.

Đoàn giám sát đã đề xuất một số kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ; trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của các khu kinh tế và làng nghề, tăng cường giám sát, tăng đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường...

Góp ý vào báo cáo giám sát, các đại biểu đánh giá cao việc lựa chọn nội dung giám sát bởi môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề hiện là vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, được dư luận và cử tri rất quan tâm. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu vực này hiện còn những hạn chế, bất cập, chưa đạt yêu cầu. Nếu không sớm khắc phục, nguy cơ ô nhiễm môi trường là tất yếu. Đoàn giám sát đã phản ánh được cơ bản những vấn đề tồn tại, phân tích nguyên nhân và đề xuất những kiến nghị xác đáng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Báo cáo giám sát cần phân tích thấu đáo hơn, nêu bật được hiện trạng với những minh chứng cụ thể, rõ ràng đồng thời đưa ra được những giải pháp thực sự phù hợp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, không thể phủ nhận sự phát triển của các khu kinh tế, làng nghề đã góp phần rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, qua thực tế giám sát, rõ ràng bên cạnh số làm tốt, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp, làng nghề hiện nay giống như “trăm hoa đua nở”, mạnh nơi nào nơi ấy làm. Như thế, ô nhiễm môi trường là tất yếu. Thực trạng cho thấy ô nhiễm ở một số khu công nghiệp, làng nghề đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân.

Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề quản lý môi trường, tỉnh đẩy cho huyện, huyện lại đẩy cho xã trong khi cấp xã không đủ năng lực để làm. Có thể nói việc quản lý đang bị buông lỏng. Với tình trạng như hiện nay, thu ngân sách rồi cũng không đủ để khắc phục những hậu quả do ô nhiễm gây ra.

Tập trung phân tích nguyên nhân của những tồn tại, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những lý do quan trọng là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, hoàn chỉnh, thiếu cụ thể. Nêu ví dụ vụ vi phạm của công ty Vedan trước đây, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì đã không có chuyện khó xử lý do thiếu cơ sở pháp lý như vậy.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Nghiêm Vũ Khải, sản xuất làng nghề là sản xuất nhỏ, chịu nhiều rủi ro do nguồn nguyên liệu bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên nhiên, vốn nhỏ, công nghệ thấp, lao động thiếu đào tạo, năng suất thấp, thu nhập thấp, thị trường thiếu ổn định. Đây là những nguyên nhân cơ bản lý giải tại sao môi trường ở các làng nghề lại dễ ô nhiễm. Theo ông, cốt lõi của vấn đề là phải chuyển đổi được cơ cấu sản xuất ở các làng nghề, chọn được những mô hình nâng cao sản xuất, vừa bảo đảm đời sống vừa bảo vệ môi trường. Một nguyên nhân khác là việc quy hoạch các khu kinh tế phát triển nhanh, nóng, một số địa phương có tâm lý trông chờ ở cơ chế đặc biệt; Ban quản lý một số khu kinh tế được giao quyền nhưng năng lực chưa đáp ứng trong khi lẽ ra là nhiệm vụ của chính quyền địa phương.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng, các khu kinh tế, làng nghề góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, nâng cao phần nào đời sống của người dân. Tuy nhiên, Báo cáo mới dừng lại ở việc mô tả mà chưa đánh giá sâu tác động của việc chưa thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về môi trường đối với đời sống xã hội như ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất thủy sản, sức khỏe con người...

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cũng cho rằng, báo cáo nên tập trung vào trọng điểm là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề, không nên sa vào việc đánh giá hiệu quả kinh tế. Bà Trương Thị Mai cũng đồng tình với ý kiến ông Trần Văn Hằng khi cho rằng, cần có đánh giá sâu sắc hơn về tác động để từ đó tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề này. Hoạt động sản xuất làng nghề hiện thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn, nhưng 70% còn lại phải chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp từ ô nhiễm.

Bà Trương Thị Mai đề nghị, cần phân tích, làm rõ một nguyên nhân quan trọng là sự chồng chéo, chưa hiệu quả trong phân công, phối hợp trách nhiệm về quản lý nhà nước. Báo cáo cũng chưa nêu rõ tình hình bố trí ngân sách và vấn đề xã hội hóa.

Đề cập các giải pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng cần tập trung giải quyết bằng những giải pháp cụ thể mà trước tiên là định hướng lại phát triển, đi vào phát triển sâu, bền vững; quy hoạch, sắp xếp lại các làng nghề, tùy tình hình mà tập trung hay phân tán cho hợp lý. Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai cũng là dịp để củng cố lại các làng nghề. Việc sử dụng nguồn ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường cũng cần được bố trí lại hợp lý, nhưng phải chú ý vấn đề xã hội hóa, nếu chỉ trông chờ ngân sách thì thu bao nhiêu cũng không đủ chi. Theo ông, nếu không tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, có chế tài nghiêm minh thì khó có thể phát hiện, xử lý sai phạm.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nghiêm Vũ Khải, song song với việc nâng cao năng lực xử lý là phải giảm thiểu công nghệ sản xuất lạc hậu, cũ kỹ, áp dụng sản xuất sạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cũng đồng tình, cần kiên quyết trong đổi mới công nghệ, không chạy theo tăng trưởng nhanh mà phải thực sự quan tâm đến tăng trưởng bền vững; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương, giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, có chế tài đủ mạnh mới đủ sức răn đe và tính đến việc tăng ngân sách cho công tác này.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Hằng chưa đồng tình với giải pháp quy hoạch tập trung làng nghề bởi đa phần các làng nghề gắn với các dòng họ, mang nét văn hóa làng xã, nếu dồn lại có thể sẽ bị triệt tiêu. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, không nên áp đặt mà cần tôn trọng tư duy sáng tạo, lối sống, nếp sinh hoạt của các cộng đồng dân cư. Nên chăng xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường; có chính sách ưu đãi đặc thù về công nghệ, con người đối với làng nghề, thực hiện theo lộ trình. Giám sát phải chỉ rõ làng nghề nào cần ngừng hoạt động, làng nào cần di dời, làng nào nên quy hoạch tại chỗ để giữ gìn bản sắc văn hoá đồng thời bảo đảm môi trường; đề cao vai trò của các hiệp hội làng nghề, phát huy vai trò của nhân dân.

Theo bà Trương Thị Mai, cần chia ra thành 2 nhóm: nhóm giải pháp cần khẩn trương làm ngay, ví dụ về mô hình ban quản lý, quy hoạch, quản lý nhà nước...; nhóm giải pháp chiến lược: ngân sách, xã hội hóa, đổi mới công nghệ, quản lý nhà nước về lâu dài. Các giải pháp đặt ra phải vừa giải quyết được những vấn đề bức xúc trước mắt vừa khiến nhà nước và xã hội yên tâm trong lâu dài. Ý kiến này của bà Trương Thị Mai nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.

Đề cập một mặt khác, ông Phan Xuân Dũng cho rằng, xử lý ô nhiễm môi trường ở làng nghề không những khó khăn mà còn rất nhạy cảm. Nhiều làng nghề ô nhiễm nhưng có hàng trăm người đang làm việc ở đó, nếu đóng cửa ngay có thể giải quyết được ô nhiễm môi trường nhưng sẽ dẫn đến "ô nhiễm" xã hội, vì lao động mất việc làm, không nghề nghiệp, không nguồn thu nhập.

Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, trọng tâm chính của Báo cáo giám sát là tình hình thực thi chính sánh, pháp luật về môi trường, do đó cần đi sâu phân tích tính khả thi, vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện. Nhiệm vụ của công tác giám sát là phải chỉ ra đúng hay sai, có phù hợp thực tế không, có đi vào cuộc sống không, không phù hợp ở điểm nào, vướng mắc ở đâu, phân tích cụ thể, có minh chứng rõ ràng.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Báo cáo cần bám sát vấn đề giám sát để có những đánh giá chính xác; làm rõ những tình huống trong thực hiện chính sách, pháp luật như: chủ trương chính sách đúng mà không làm; có nơi vận dụng tốt nhưng cũng có nơi chưa làm được hoặc có nơi làm sai; do chưa đồng bộ, thiếu thực tế, chưa đầy đủ nên ở cơ sở không làm được hoặc vướng mắc. Kiến nghị trong Báo cáo cần rõ ràng, thấy được cái đúng, cái sai, ai sai và sửa sai như thế nào.../.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục