Khổ, nói mãi... vẫn thế

Ô nhiễm làng nghề Hưng Yên: Khổ, nói mãi... vẫn thế

Ô nhiễm tại các làng nghề ở tỉnh Hưng Yên đang là vấn đề nhức nhối nhưng đến nay, địa phương này vẫn chưa có "bài thuốc" để chữa "bẩn."
Ông Lê Đức Lành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hưng Yên thừa nhận, làng nghề là tiềm lực kinh tế để người dân cải thiện cuộc sống. Sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, ổn định đời sống gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, nhiều làng nghề vẫn vô tư vứt, xả chất thải nguy hại ra môi trường, khiến tình hình ô nhiễm tại tỉnh ngày càng nghiêm trọng. “Thực tế, các làng nghề chủ yếu có quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu nên việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các qui định bảo vệ môi trường còn gặp khó khăn đã khiến ô nhiễm tại các làng nghề càng trở nên nhức nhối, trong khi các địa phương vẫn chưa có ‘bài thuốc’ chữa trị,” ông Lành bối rối.
Quen với mùi hôi thối

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề thu gom, tái chế phế liệu như ở Phan Bôi, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên luôn “nóng” trên từng tấc đất. Người dân Phân Bôi bấy lâu đã quen với mùi hôi thối, họ tận dụng tất cả phần diện tích của gia đình, thôn xóm đến vỉa hè, lòng đường để "trưng bày" đủ thứ phế liệu, rác thải, với hy vọng kiếm bát cơm.
Theo phản ánh của người dân xã Dị Sử, hàng ngày, rác thải được thu gom từ mọi vùng quê, sau khi phân loại chỉ một phần nhỏ trong số chúng được tái chế. Phần không tái chế, người dân sẽ ném ra các khu dân cư, khiến địa phương này luôn phải đối mặt với mùi hôi thối và ô nhiễm nặng nề. Phan Bôi là làng quê thuần nông với trên 500 hộ dân, nhưng những năm gần đây, diện tích đất canh tác ở địa phương đang ngày bị thu hẹp do phải nhường đất cho các nhà máy, khu công nghiệp. Cũng vì thiếu đất, nhiều người dân đã chuyển sang kinh doanh phế liệu, rác thải để phát triển kinh tế. Ông Lê Đình Khương, một người dân 50 tuổi ở thôn Phan Bôi thở dài ngao ngán: “Phan Bôi xưa là làng nghề ‘cứu’ đói cho người dân địa phương. Ấy mà, nhiều năm nay, làng nghề giúp người dân kiếm cơm đã chuyển sang tên gọi mới làng ‘si đa,’ làng “ung thư’ bởi cái tiếng ô nhiễm đã phổ biến nơi cửa miệng.” Cũng theo tiết lộ của ông Khương, ở Phan Bôi, lượng rác thải hàng ngày được chất cao như núi, nhưng khâu thu gom xử lý rất chậm, chính vì thế mà rác ngày một ứ đọng, tràn lan từ sân nhà ra đến vỉa hè, lòng đường, thậm chí là ngập tràn kênh mương. Cùng với ô nhiễm rác thải và không khí, nước thải ở làng nghề Phan Bôi cũng là vấn đề đáng lo ngại. “Trước kia, do đất đai rộng, nước thải rút rất nhanh. Nhưng mấy năm nay, đất đai bị thu hẹp, ao, hồ, kênh mương tồn đọng lắm rác thải nên nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng nề, khiến đa phần hộ dân mắc phải nhiều thứ bệnh tật,” ông Khương chia sẻ. Không chỉ riêng Phan Bôi, mà làng nghề Chỉ Đạo tái chế chì (huyện Văn Lăm), làng nghề thuộc da Liêu Xá (Yên Mỹ)… cũng không kém phần ô nhiễm, bởi hành vi xả thải phế liệu và nước thải ô nhiễm ra các ngả đường, kênh mương một cách tùy tiện. Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, tại các làng nghề này, hàng ngày người dân vẫn vô tư xả thẳng những thứ cặn bã và nước thải không qua xử lý ra các ngả đường. Những con kênh, ao, hồ nước ứ đọng, nhuộm một màu đen kịt, đặc quánh do chất phế thải.
Ô nhiễm làng nghề Hưng Yên: Khổ, nói mãi... vẫn thế ảnh 1
Rác thải vứt ngổn ngang tại nhiều tuyến đường của huyện Mỹ Hào. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
“Cùng với sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến bầu không khí trong lành, hầu hết các hộ dân làm nghề tái chế chì còn vô tư trút nước thải, sản xuất ồn ào cả ngày lẫn đêm, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bà con,” một người dân ở làng nghề tái chế chì Chỉ Đạo, huyện Văn Lăm, bức xúc nói. Trước mối nguy hại về ô nhiễm môi trường sống, những năm gần đây, Hưng Yên đã triển khai khá nhiều chương trình, dự án bảo vệ môi trường như: Xây dựng hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải tại một số làng nghề nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các giải pháp chữa “bẩn,” đẩy lùi ô nhiễm đều đi vào... “ngõ cụt.”
Động vào "nồi cơm" của dân
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Lê Đức Lành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hưng Yên, cho hay: “Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đang là vấn đề nhức nhối trên toàn quốc. Riêng Hưng Yên, do là tỉnh có nhiều làng nghề và chủ yếu có quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu nên việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế.” Hưng Yên hiện có 85 làng nghề, trong đó có 35 làng nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận. Tuy nhiên, hầu như làng nghề nào cũng trong tình trạng bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân. Theo ông Lành, một trong những nguyên nhân chính dấn đến tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề là do ý thức chấp hành luật về bảo vệ tài nguyên nước của nhiều tổ chức, cá nhân còn hạn chế và thiếu chế tài xử phạt, nên vẫn còn tình trạng vứt rác, thải nước một cách tùy tiện. “Thực ra, ô nhiễm tại các làng nghề là do lịch sử để lại, một thời kỳ vì dễ dãi trong việc công nhận làng nghề mà chưa lường trước được mức độ gây ô nhiễm. Do vậy, hiện nay hầu như làng nghề nào cũng gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường tới các khu dân cư làng nghề,” ông Lành nói. Cũng theo ông Lành, làng nghề liên quan trực tiếp tới "nồi cơm" của người dân, vì vậy để xử phạt và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề là rất khó. [Khu làng nghề Hưng Yên bao giờ “nhúc nhích“?]
“Chúng tôi cũng đã tính tới việc ‘rửa bẩn’ như xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các làng nghề, song điều này là hơi khó vì cần có sự đồng thuận của người dân. Ngoài ra, nếu triển khai không tốt, rút vốn đầu tư là công trình lại đắp chiếu. Trong việc này, các công ty lớn có tiềm lực kinh tế họ còn tìm cách xả trộm, huống gì là người dân tại các làng nghề,” ông Lành phân bua. "Bức tranh" ô nhiễm ở Hưng Yên là rất nghiêm trọng nhưng thực tế là người ta vẫn phải đợi. Để đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường, ông Lành cho biết Chi cục Bảo vệ Môi trường sẽ phối hợp với các địa phương lập kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi các khu dân cư, cụm công nghiệp làng nghề theo Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tiếp đó, Chi cục Bảo vệ môi trường cùng các cơ quan ban ngành sẽ di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp làng nghề. Theo lý giải của ông Lành, di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi các làng nghề, cụm công nghiệp là giải pháp “chiến lược,” để bảo vệ môi trường đồng thời giữ lại các làng nghề phát triển sạch. “Thực tế, di dời được các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi cụm làng nghề là vấn đề rất khó khăn, bởi cần phải quy hoạch đất, mặt bằng, việc này rất tốn kém và phức tạp. Tuy nhiên, nếu triển khai tốt việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm, môi trường làng nghề sẽ dần được cải thiện,” ông Lành khẳng định./. [Xem album ảnh làng nghề ngập trong ô nhiễm và rác thải]
Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục