Ô nhiễm nước có thể gây khủng hoảng y tế Ấn Độ

Chất thải đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ở nhiều nơi tại Ấn Độ và điều này có thể dẫn đến nguy cơ khủng hoảng y tế.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên nước Ấn Độ vừa công bố trước Quốc hội, chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ở nhiều nơi tại Ấn Độ và điều này có thể dẫn đến nguy cơ khủng hoảng y tế toàn quốc.

Thời báo Ấn Độ trích dẫn số liệu của Bộ này cho biết, trong tất cả các quận của Ấn Độ có khoảng 25% quận có nguồn nước ngầm bị xâm nhập mặn, 60% quận có hàm lượng nitrate vượt quá tiêu chuẩn, 42% quận có chất florua quá cao, 44% quận có hàm lượng sắt quá tiêu chuẩn.

Ngoài ra, Ấn Độ có gần 10% quận bị nhiễm các chất kim loại nặng như chì, cadmium, chromium. Những kim loại nặng này một khi đi vào cơ thể sẽ gây ra các bệnh ở trẻ em như chậm phát triển hoặc thận. Người lớn có thể mắc bệnh cao huyết áp, các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa hoặc ung thư.

Báo cáo cho thấy, hầu hết nguồn nước ngầm ở các khu vực của thành phố New Delhi đều bị nhiễm kim loại nặng. Hiện chỉ có 65% cư dân của New Delhi và các vùng lân cận được sử dụng nguồn nước sạch đã qua xử lý, số còn lại chủ yếu phải phụ thuộc vào nguồn nước ngầm.

Ô nhiễm nước ảnh hưởng lớn đến người dân nông thôn - lực lượng chiếm 70% dân số Ấn Độ. Khoảng 80% nước sinh hoạt của người dân nông thôn được lấy từ nguồn nước ngầm, trong khi phần lớn tại các khu vực này không có biện pháp kiểm tra ô nhiễm nước.

Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Ấn Độ cho biết, ô nhiễm nước ngầm chủ yếu do chất thải công nghiệp chưa qua xử lý gây ra, một khi tầng nước đã bị ô nhiễm, việc xử lý sẽ rất khó khăn./.

Thùy Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục