Ô nhiễm sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2010

Bộ Tài Nguyên và Môi trường vừa đưa ra cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam sẽ tăng thêm 4-5 lần, chỉ sau một năm nữa.
Bộ Tài Nguyên và Môi trường vừa đưa ra cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam sẽ tăng thêm 4 - 5 lần, chỉ sau một năm nữa.

Theo đánh giá chung, trong hơn một thập kỷ gần đây, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao và đi liền với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, khai thác tài nguyên là sự xấu đi của chất lượng môi trường sống.

Tổn thất kinh tế do ô nhiễm môi trường đến thời điểm năm 2010 được tính toán là khoảng 0,3% GDP và đến năm 2020 sẽ tăng lên 1,2% GDP.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã cho thấy trung bình trong 10 năm, nếu tổng GDP tăng 2 lần thì mức độ ô nhiễm tăng lên 5 lần.

Giáo sư Tiến sĩ Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp, cho biết theo một nghiên cứu được thực hiện tại 18 ngành và lĩnh vực kinh tế, ngành thép hiện là ngành công nghiệp gây nguy hại môi trường nhiều nhất ở Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (thuộc Tổng cục Môi trường), ngay tại Hà Nội, hiện chỉ có 3 trong số 9 khu công nghiệp quanh thủ đô đầu tư hệ thống xử lý nước thải và có tới 60% chất thải của các khu này chưa qua xử lý đúng cách.

“Hà Nội đang là một thành phố bụi bậc nhất do khí thải công nghiệp với rất nhiều chất độc hại,” Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Thanh bày tỏ lo ngại.

Trước thực trạng này, Tổng cục Môi trường đã xây dựng “Kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hóa chất” trên phạm vi cả nước và đang khẩn trương bổ sung, sửa đổi các qui định về quản lý phế liệu nhập khẩu, quản lý chất thải cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Tuy cơ quan này đã tích cực xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng trong số 439 cơ sở gây ô nhiễm nặng mới chỉ có 87 cơ sở được cấp giấy chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, 106 cơ sở cơ bản hoàn thành, 198 cơ sở đang triển khai xử lý, còn 21 cơ sở chưa triển khai và 27 cơ sở đã giải thể hoặc phá sản.

Theo ước tính, thời gian tới cần phải có khoảng 7,6 tỷ USD cho nhu cầu đầu tư bảo vệ môi trường tại các ngành và lĩnh vực kinh tế như rượu - bia, nước giải khát, thủy sản, giấy, dệt may, xây dựng, cơ khí, giao thông, điện, khai thác khoáng sản, y tế, đóng tàu, ximăng./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục