Điện đàm về Snowden

Obama, Putin điện đàm vụ Snowden xin tị nạn ở Nga

Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Putin sau khi Snowden bày tỏ nguyện vọng được tị nạn tại Nga.
Người tiết lộ thông tin tình báo Mỹ Edward Snowden ngày 12/7 đã có cuộc gặp với các nhà hoạt động nhân quyền tại sân bay Sheremetyevo ở thủ đô Mátxcơva, Nga, đồng thời bày tỏ nguyện vọng được tị nạn tại Nga để có thể đến khu vực Mỹ Latinh một cách hợp pháp.

Phản ứng trước động thái này, Chính phủ Mỹ đã cảnh báo việc Nga chấp thuận đề nghị trên có thể sẽ gia tăng quan ngại cho quan hệ song phương.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tái khẳng định tuyên bố trước đây của Washington rằng việc bất kỳ quốc gia nào hỗ trợ quá cảnh hoặc tạo điều kiện cho Snowden cư trú sẽ gây quan ngại cho mối quan hệ với Mỹ.

Liên quan đến cuộc gặp giữa Snowden và các nhà nhân quyền, nữ phát ngôn viên này bày tỏ thất vọng khi Chính quyền Mátxcơva đã cho phép cuộc gặp này diễn ra.

[Mỹ bày tỏ quan ngại nếu Snowden được tị nạn ở Nga]

Trong khi đó, phát ngôn viên của Nhà Trắng Jay Carney bày tỏ quan điểm rằng trong trường hợp Chính phủ Nga chấp thuận đơn tị nạn của Snowden, động thái này sẽ mâu thuẫn với những tuyên bố trước đây của Mátxcơva rằng không muốn vụ bê bối tình báo làm tổn hại quan hệ Nga-Mỹ.

Cùng ngày, ngay sau phát biểu của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Vladimir Putin.

Trong một thông cáo, Nhà Trắng cho biết cuộc đối thoại trên đã được lên kế hoạch vài ngày trước đó và cả hai nhà lãnh đạo đã cùng thảo luận về vụ Snowden và một vài vấn đề khác.

Trong bối cảnh diễn biến vụ Snowden thêm phức tạp, lãnh đạo các nước thuộc khối Thị trường chung Nam Mỹ Mercosur đã bày tỏ sự ủng hộ đối với người tiết lộ thông tin tuyệt mật của CIA và phản đối mạnh mẽ chương trình do thám của Mỹ nhằm vào khu vực Mỹ Latinh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 45 của khối này kết thúc tại Montevideo, Uruguay, các nhà lãnh đạo Mercosur đã ra một tuyên bố chung tái khẳng định quyền cấp quy chế tị nạn của mỗi quốc gia, đồng thời phản đối mọi hành động gây áp lực, "làm khó" hoặc cản trở quyền trên.

Trước thông tin tình báo Mỹ do thám các nước Mỹ Latinh trong nhiều năm bị lật tẩy, khối Mercosur bao gồm Venezuela, Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay, một lần nữa đã lên án sự xâm nhập viễn thông và các hoạt động tình báo của Washington và nhấn mạnh hành động này vi phạm quyền công dân và quyền riêng tư của mỗi công dân.

Liên quan đến việc 4 quốc gia châu Âu gồm Tây Ban Nha, Pháp, Italy và Bồ Đào Nha đã rút phép chuyên cơ của Tổng thống Bolivia Evo Morales khi ông trên đường về nước sau khi dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt tại Nga, vì nghi ngờ trên máy bay có cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, các tổng thống Nam Mỹ đã thống nhất gọi đại sứ về nước để “trực tiếp báo cáo” vụ việc, đồng thời triệu đại sứ của 4 nước trên đến để giải thích về hành động vi phạm nhân quyền, quyền miễn trừ và gây nguy hiểm tới tính mạng của ông Morales.

Trong phiên bế mạc lần này, các nước thành viên Mercosur cũng đề cập đến kế hoạch phát triển những quy tắc điều chỉnh Internet với trọng tâm là an ninh mạng nhằm đảm bảo thông tin và chủ quyền mỗi quốc gia.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cho biết đã đến lúc khối Thị trường chung Nam Mỹ cần thiết lập một ranh giới bao gồm những biện pháp để tránh gặp phải tình huống tương tự trên.

Trong khi việc Snowden muốn xin tị nạn tại Nga đang làm đau đầu giới chức Mỹ, lần đầu tiên, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Navy Pillay đã thể hiện sự ủng hộ đối với Snowden, đồng thời cho rằng trường hợp của Snowden đã chứng minh sự cần thiết trong công tác bảo vệ những người tiết lộ thông tin liên quan đến hành động vi phạm nhân quyền và quyền riêng tư cá nhân.

Trong một thông cáo, một mặt lên án các quốc gia đã từ chối đơn xin tị nạn của kỹ thuật viên 30 tuổi này, mặt khác bà Pillay kêu gọi các quốc gia tôn trọng quyền xin tị nạn và cho rằng các nước cần dựa vào các nghĩa vụ pháp lý quốc tế khi đưa ra bất cứ quyết định nào.

Hiện, Snowden đã nộp đơn xin tị nạn tại 27 quốc gia, trong đó có các nước Mỹ Latinh như Venezue, Brazil, Ecuador, Bolivia, Nicaragua và Cuba. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 3 nước Bolivia, Venezuela và Nicaragua tuyên bố để ngỏ khả năng đồng ý cấp quy chế tị nạn cho kỹ thuật viên 30 tuổi này.

Ngày 11/7 vừa qua, Edward Snowden đã được tổ chức phi chính phủ World Service Authority (WSA) cấp “hộ chiếu công dân toàn cầu” căn cứ theo điều 13 trong Tuyên bố nhân quyền Liên hợp quốc. Trên thế giới hiện chỉ có 6 quốc gia chính thức công nhận "hộ chiếu công dân toàn cầu" của WSA, gồm Mauritania, Burkina Faso, Tanzania, Ecuador, Togo và Zambia. Trong số này, chỉ có Ecuador từng lên tiếng sẵn sàng xem xét yêu cầu tị nạn của Snowden nếu nhận được đơn hợp lệ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Ecuador Marco Albuja cho biết “hộ chiếu công dân toàn cầu” do WSA cấp không có giá trị pháp lý nhập cảnh vào Ecuador, mà chỉ mang giá trị tượng trưng vì không đáp ứng các yêu cầu an ninh.

Edward Snowden hiện đang ẩn náu tại khu quá cảnh sân bay Sheremetyevo của Nga từ ngày 23/6 sau khi bỏ trốn đến Hong Kong (Trung Quốc) hồi tháng Năm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục