Obama tiếc thương nhà phê bình quyền lực Ebert

Các đại thụ làng điện ảnh như Scorsese, Steven Spielberg và Tổng thống Mỹ Obama đã gửi lời chia buồn tới nhà phê bình Roger Ebert.
Huyền thoại điện ảnh Martin Scorsese và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi lời tri ân tới nhà phê bình phim quyền lực nhất Hollywood Roger Ebert, người đã bất ngờ qua đời hôm 4/4 vì bệnh ung thư. Scorsese, người từng làm một bộ phim về nhà phê bình nổi tiếng với các quan điểm khen chê rạch ròi này, đã gọi sự ra đi của Ebert là “một sự mất mát không thể đong đếm cho văn hóa điện ảnh và phê bình phim.” “Đây là một sự mất mát với cá nhân tôi. Roger luôn ủng hộ và ở bên tôi khi tôi cần những thứ đó nhất – ngay từ sự khởi đầu, nơi mà mọi lời động viên đều quý giá.” Người đồng hương gốc Chicago, Tổng thống Mỹ Obama cũng đã ca ngợi Ebert, người chuyên viết phê bình cho tờ Chicago Sun-Times trong suốt bốn thập niên qua và từng dẫn một chương trình truyền hình nổi tiếng. “Với nhiều thế hệ người Mỹ, đặc biệt là với người Chicago, Roger chính là điện ảnh. Khi ông ấy không thích một bộ phim thì ông ấy luôn trung thực, còn khi ông ấy thích thì ông ấy sẽ dùng năng lực đặc biệt của điện ảnh để đưa chúng ta tới một nơi kì diệu.” [Nhà phê bình phim quyền lực nhất thế giới qua đời] “Ngay cả khi phải chống chọi với căn bệnh ung thư, Roger vẫn làm việc như thể bình thường, tiếp tục chia sẻ niềm đam mê và góc nhìn của mình với thế giới,” Obama tuyên bố trong thông cáo từ Nhà Trắng. Ebert – người mới thông báo cách đây 2 ngày trên blog rằng ông sẽ nghỉ công việc chính một thời gian – đã bị khuất phục bởi căn bệnh ung thư sau một cuộc chiến dai dẳng. Theo tờ Chicago Sun-Times mà ông làm việc thì Roger “đã giới thiệu sự tuyệt vời của điện ảnh, đưa những bộ phim tầm thường, xoàng xĩnh về vị trí của nó với một con mắt sắc sảo, trí thông minh và kiến thức rộng, chinh phục hàng triệu độc giả.” Nhà phê bình này, với cách chấm phim “giơ hai ngón tay cái lên” giờ đã là thương hiệu cho những phim xuất sắc, đã làm việc cho tờ Chicago Sun-Times từ năm 1967. Ông đoạt giải Pulitzer danh giá năm 1975 ở hạng mục phê bình chuyên biệt, là người đầu tiên và là một trong ba người duy nhất từng nhận vinh dự trên. Ông cũng từng dẫn chương trình phê bình điện ảnh trên truyền hình, với hình ảnh ngón cái giơ lên hoặc xuống làm logo. Ebert đã yếu đi rất nhiều trong thập niên qua với bệnh ung thư tuyến giáp và tuyến nước bọt, song vẫn theo kịp thời đại. Ông dùng trào lưu Internet từ những ngày đầu để chia sẻ tác phẩm của mình qua blog, Twitter và các mạng xã hội khác. Trong blog viết hôm 2/4, ông đã tuyên bố về việc mình sẽ tạm nghỉ song vẫn chia sẻ kế hoạch tiếp tục làm việc: “Tôi đang đắm mình vào Ebert Digital và trang Rogerebert.com được thiết kế lại cho dễ tương tác và dễ tìm kiếm hơn.” Ông cho biết mình “vô cùng đau đớn” khi bị phát hiện ung thư: “Khi phải hóa trị, tôi không thể tới xem nhiều bộ phim như tôi từng làm nữa.” Trong những dòng cuối gửi độc giả, ông hồi tưởng lại thời điểm ông trở thành nhà phê bình cho Chicago Sun-Times vào ngày 3 tháng Tư, 1967, cách đây 46 năm. “Một số người trong các bạn đã đọc bài đánh giá và còn gửi thư cho tôi từ đó... Với những ai từng biết tới tôi, tôi vui mừng vì bạn đã đọc và cảm ơn bạn vì các bạn là những độc giả tuyệt vời nhất mà một nhà phê bình phim có thể có.” Vài giờ sau cái chết của ông, những tên tuổi của Hollywood đã gửi lời chia buồn cho gia đình nhà phê bình phim vĩ đại.
Obama tiếc thương nhà phê bình quyền lực Ebert ảnh 1
Vòng hoa tiếc thương Roger Ebert được đặt trên Đại lộ Danh vọng ở Hollywood (Nguồn: AFP)
Đạo diễn Steven Spielberg chia sẻ: “Roger rất yêu các bộ phim. Chúng là cuộc đời ông ấy. Các bài phê bình đi sâu hơn những ngón tay lên hoặc xuống đơn thuần. Ông ấy đã viết với niềm đam mê và kiến thức sâu rộng về phim và lịch sử điện ảnh.” Nhà sản xuất lừng danh Harvey Weinstein cũng bồi hồi: "Roger Ebert là một nhà phê bình nhiệt huyết luôn hiểu rằng ông ấy không chỉ cần phải đánh giá phim mà còn cần trở thành một nhà vô địch của điện ảnh.” “Ông ấy luôn ở bên những bộ phim cần sự thúc đẩy. Thứ duy nhất tuyệt hơn ông ấy ở khía cạnh nhà phê bình chính là nhân cách con người của ông.”/.
Quốc Thịnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục