Obama "ủng hộ mạnh mẽ" nghiên cứu tế bào gốc

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 9/3 đã ký sắc lệnh bãi bỏ lệnh cấm dùng ngân sách liên bang để nghiên cứu tế bào gốc và cam kết "sẽ ủng hộ mạnh mẽ" các nghiên cứu mới trong lĩnh vực này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 9/3 đã ký sắc lệnh bãi bỏ lệnh cấm dùng ngân sách liên bang để nghiên cứu tế bào gốc và cam kết "sẽ ủng hộ mạnh mẽ" các nghiên cứu mới trong lĩnh vực này.

Đây là một sắc lệnh "đảo chiều" so với lệnh cấm đã được thi hành trong 8 năm qua dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush do những quan ngại về vấn đề đạo đức.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, phát biểu tại lễ ký sắc lệnh, Tổng thống Obama nhấn mạnh: "Với sắc lệnh này, chúng tôi đã đưa đến sự thay đổi mà nhiều nhà khoa học, bác sĩ, bệnh nhân và những người thân của họ đã mong đợi trong tám năm qua. Chúng tôi sẽ ủng hộ hết sức mình để các nhà khoa học theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu này". Ông cũng nêu rõ Chính phủ Mỹ không chỉ có vai trò mà còn có trách nhiệm đưa đất nước dẫn đầu về y học trên thế giới.

Tuy nhiên, trái ngược với thái độ hoan nghênh của giới khoa học, nhiều nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã đề nghị ông Obama nên "xem xét lại" quyết định trên.

Năm 2001, cựu Tổng thống Bush đã ký một sắc lệnh cấm dùng ngân quỹ liên bang tài trợ cho nghiên cứu tế bào gốc từ phôi người, ngoại trừ 60 dòng tế bào gốc từ phôi thai hiện có vốn đã bị phá hủy.

Tháng 6/2007, một sắc lệnh khác cho phép Bộ Y tế và Dịch vụ con người và Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ tài trợ ngân quỹ nghiên cứu tế bào gốc chỉ khi các tế bào là sản phẩm của các phương pháp không làm phá hủy hoặc gậy tổn hại cho phôi người. Cựu Tổng thống Bush cũng đã phủ quyết các đạo luật cấp ngân sách cho nghiên cứu tế bào gốc từ phôi người vào các năm 2006 và 2007.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Obama đã cam kết thay đổi lệnh cấm nghiên cứu tế bào gốc và trong diễn văn nhậm chức Tổng thống trung tuần tháng Giêng vừa qua, ông đã nhắc lại cam kết này, rằng sẽ "đưa khoa học trở lại đúng vị trí của nó trên đất Mỹ."

Theo ông, những hạn chế mà người tiền nhiệm Bush áp dụng đối với việc tài trợ nghiên cứu tế bào gốc từ phôi người đã cản trở các nhà khoa học Mỹ và hạn chế năng lực cạnh tranh với các nước khác.

Tế bào gốc, có thể phát triển thành bất cứ loại nào trong 220 loại tế bào trong cơ thể con người, được coi là "cứu tinh" trong cuộc chiến chống lại các căn bệnh nan y như ung thư, tim mạch, tiểu đường, liệt rung, mất trí nhớ, chấn thương tủy sống, đột quỵ... Song tế bào gốc mới chỉ được lấy từ phôi người và việc này gây ra tranh cãi về đạo đức vì để tạo ra được tế bào gốc, các nhà khoa học phải hủy đi một phôi người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục