Ốc sên là thủ phạm hại cây trồng tại Kon Tum

Loài ốc sên nhỏ trên lúc mới bắt đầu xuất hiện chỉ trên vùng diện tích nhỏ nhưng đến nay chúng đã gây hại cho nhiều loại rau màu khác nhau.
Ngày 1/9, ông Đinh Quang San, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết, Trung tâm giám định kiểm dịch thực vật (Cục bảo vệ thực vật) đã xác định được loài ốc gây thiệt hại cho cây trồng tại địa phương thời gian qua.

Tên khoa học của loài ốc này là Paropeas achatinaceum (Pfeiffer 1846) họ Subulinidae, tổng họ Achatinoidea, lớp phụ Pulmonata, lớp Gastropoda, tên dân gian là ốc sên loại nhỏ.

Loài ốc sên nhỏ nói trên lúc mới bắt đầu xuất hiện chỉ trên vùng diện tích nhỏ và chỉ gây hại cho cây dưa leo nhưng đến nay chúng đã lây lan nhanh qua các thửa ruộng khác và gây hại cho nhiều loại rau màu khác nhau.

Tài liệu viết về loài ốc này rất hạn chế về thông tin khoa học, do vậy đến nay cơ quan chuyên môn vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị hữu hiệu để khuyên cáo cho người dân.

Hiện nay việc khoanh vùng không cho loài ốc này lây lan cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum đã dùng nhiều biện pháp để tiêu diệt, trong đó có cả biện pháp phun hóa chất trực tiếp nhưng ốc vẫn không chết, thậm chí chúng sống được cả tuần trong môi trường khô hạn.

Cũng tại Kon Tum, bệnh "chổi rồng" trên cây sắn đã gây thiệt hại trên 3.500ha sắn của người dân.

Nguyên nhân gây bệnh là do phytoplasma - một loài sinh vật trung gian giữa vi khuẩn và virus gây ra nhưng cơ quan chuyên môn cũng chưa tìm ra được thuốc đặc trị.

Để ngăn chặn bệnh "chổi rồng," tỉnh Kon Tum đang vận động và tổ chức cho nhân dân thu gom toàn bộ sản phẩm sắn và thân cây sắn trên vùng diện tích bị bệnh để tiêu hủy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục